Cuộc chiến cam go chống vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

ThienNhien.Net – Sau những nỗ lực đấu tranh của lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường với nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thời gian gần đây, tình trạng sử dụng các chất này đã có chiều hướng giảm mạnh. Để hiểu rõ hơn về cuộc chiến cam go này, Lao Động Online đã có cuộc trò chuyện với thiếu tá Lê Anh Đức (Phòng 5, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường) – người vừa tham gia và được khen thưởng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vì đã có thành tích xuất sắc trong việc triển khai đợt cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp.

100215_TDBL_ThucphamPV: Thưa anh, với lượng tiêu thụ gia súc, gia cầm lớn như hiện nay, đặc biệt là vào các dịp lễ tết sẽ có những mối nguy hiểm nào cho người tiêu dùng?

Thiếu tá Lê Anh Đức: Với lượng tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm lớn như hiện nay, đặc biệt là vào các dịp lễ tết được xem là một trong những “điểm nóng” về tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi với nhiều lần cảnh báo của các cơ quan chức năng. Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, điển hình là chất tạo nạc nhóm beta-agonist (Salbutamol, Ractopamine, Clenbuterol) đối với heo, vàng ô trong nuôi gà, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Chất tạo nạc, chất tạo màu… là những chất cấm liên tục được các cơ quan chức năng phát hiện trong các mẫu thịt được bày bán tại thị trường cũng như ở những cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở một vài tỉnh có truyền thống và lợi thế về chăn nuôi mà xảy ra ở 63 tỉnh, thành trong cả nước. Nói như vậy để thấy rằng, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã trở nên tràn lan, báo động và cực kỳ nguy hiểm nếu không sớm ngăn chặn và có các biện pháp đẩy lùi. Người tiêu dùng cần tìm các địa chỉ đảm bảo để mua các thực phẩm đạt tiêu chuẩn.

PV: Trong dịp Tết, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) đã triển khai công việc như thế nào?

Thiếu tá Lê Anh Đức: Hoạt động vi phạm về chất cấm trong chăn nuôi diễn ra thường xuyên trong suốt cả năm chứ không riêng gì đợt Tết. Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh chống các vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và cũng đã chỉ đạo, triển khai đến công an các địa phương tiến hành thực hiện. Hiện nay, lực lượng Cảnh sát môi trường ở nhiều địa phương đã có những kế hoạch riêng phục vụ công tác đấu tranh. Sau hơn một tháng cao điểm ra quân, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 – Bộ Công an) phối hợp với Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng liên quan khác đã tiến hành điều tra, triệt phá hàng trăm vụ buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.Trong khi đó, các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, tìm tới các loại chất cấm mới. Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán lại càng khó khăn hơn, bởi đây là thời điểm, số lượng tiêu thụ loại thực phẩm này tăng đột biến. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực, cố gắng không ngừng trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tăng cường nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát tốt các chất gây hại trên, tiến tới hạn chế triệt để việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như sức khỏe con người.

PV: Mỗi vụ việc điều tra, các anh cần bao nhiêu thời gian để thực hiện?

Thiếu tá Lê Anh Đức: Quá trình điều tra, khám phá các vụ việc vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể phải kéo dài từ 1 đến 2 tháng. Chúng tôi phải chia làm nhiều tổ công tác để tiến hành nắm tình hình, thu thập thông tin phát hiện vi phạm. Qua công tác nắm tình hình và bằng các biện pháp nghiệp vụ chúng tôi xác định được các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Từ đó tiến hành phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật. Công tác phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường công an các địa phương trong đấu tranh phòng, chống vi phạm sử dụng chất cấm rất chặt chẽ và đạt hiệu quả cao.

PV: Tại sao hiện trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện vẫn diễn ra nhiều mà chưa được các cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát chặt chẽ?

Thiếu tá Lê Anh Đức: Thực trạng tồn tại hiện nay là công tác quản lý việc nhập khẩu, kinh doanh chất Salbutamol (chất tạo nạc) còn lỏng lẻo, bởi các chất này không phải là chất cấm hoàn toàn mà chỉ cấm sử dụng trong chăn nuôi. Các doanh nghiệp, cá nhân chăn nuôi sẽ lợi dụng điểm này để thực hiện các hành vi vi phạm. Thực tế, các chất này được sử dụng trong sản xuất dược rất ít, vậy mà hàng năm vẫn nhập hàng tấn về, vậy thì chỉ có đưa ra với mục đích khác. Trong quá trình điều tra, chúng tôi đã phát hiện được một số công ty dược phẩm bán chất này cho các đối tượng không có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh, sản xuất thuốc; trong đó có đối tượng đã bán lại cho các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và trang trại chăn nuôi. Các đối tượng vi phạm có nhiều phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, luôn tìm mọi cách đối phó, che giấu hành vi vi phạm, trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.

PV: Trong quá trình công tác, anh có gặp nhiều khó khăn?

Thiếu tá Lê Anh Đức: Chắc chắn là sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi luôn nỗ lực, cố gắng vượt qua và từng bước khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Cũng đôi lần, ít thôi, đội chúng tôi gặp phải những khó khăn tưởng như thất bại với kế hoạch. Nhưng với quyết tâm nghề nghiệp, chúng tôi vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt hiệu quả công tác.

Cảm ơn anh với những chia sẻ này!

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố đường dây nóng nhằm kịp thời tiếp nhận thông tin tố giác, phản hồi của nhân dân về các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là các hành vi sử dụng, sản xuất, kinh doanh các chất cấm trong chăn nuôi (salbutamol, clenbuterol, vàng ô…). Theo đó, khi phát hiện các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, người dân có thể:

+ Gọi ngay đến số điện thoại 08042526 hoặc 0917.808.113;

+ Gửi qua thư điện tử theo địa chỉ thongtinvipham @mard.gov.vn;

+ Liên hệ trực tiếp với Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Tổ chức, cá nhân khi cung cấp thông tin tố giác về dấu hiệu, hành vi vi phạm sản phẩm sẽ được giữ kín danh tính theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin chính xác, có giá trị phục vụ cho công tác thanh tra, điều tra xử lý vi phạm của cơ quan chức năng, sẽ được Bộ NN&PTNT thưởng theo quy định với mức tối đa 5.000.000 đồng.