Rủi ro môi trường tiềm ẩn từ TPP

ThienNhien.Net – Sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng, vào tháng 10/2015, Việt Nam cùng 11 quốc gia khác đã tuyên bố đạt được các thỏa thuận trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 26 chương của Hiệp ước phần lớn không liên quan tới thương mại mà đặt ra các giới hạn về an ninh lương thực nội địa, sức khỏe, môi trường và các chính sách khác, trong đó vấn đề môi trường được dành một chương riêng cùng các điều khoản khác như cơ chế tham gia của xã hội dân sự, tham vấn công khai và giải quyết tranh chấp. Thế nhưng, TTP có thể vẫn còn tồn tại những rủi ro môi trường mà chính các Hiệp định trước đó cũng đã gặp phải.

Ảnh minh họa: eff.org
Ảnh minh họa: eff.org

Với TPP, các tập đoàn đa quốc gia Hoa Kỳ nhắm đến một loạt đặc quyền dành cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua cơ chế “nhà đầu tư – nhà nước” tại nhiều nước. Cơ chế này cho phép các tập đoàn nước ngoài khiếu nại các vấn đề môi trường, sử dụng đất, sức khỏe và các điều luật, quy định của quốc gia sở tại áp dụng đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trước tòa án quốc tế. Cơ chế này vô hình trung giúp nâng tầm các tập đoàn và nhà đầu tư lên ngang bằng với chính phủ của mỗi quốc gia tham gia TPP. Các tập đoàn có thể lảng tránh các toà án quốc gia và kiện các chính phủ để đòi đền bù đối với các chính sách trong nước mà họ cho rằng sẽ làm giảm sút lợi nhuận dự kiến.

Nếu các công ty thắng kiện thì người đóng thuế của quốc gia thua kiện hiển nhiên sẽ phải là đền bù. Hơn 350 triệu USD là số tiền đền bù mà các tập đoàn nhận được sau nhiều vụ kiện theo thể thức nhà đầu tư – quốc gia chỉ tính riêng với các hợp đồng dưới Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Nội dung khởi kiện bao gồm các chính sách tài nguyên thiên nhiên, cấm chất độc hại, cấp phép quy hoạch, tiêu chuẩn an toàn – sức khỏe, và nhiều nội dung khác. Các chính phủ đã phải chi hơn 675 triệu USD cho các nhà đầu tư trong tranh chấp nhà đầu tư – nhà nước dưới các hiệp định thương mại tự do của Hoa Kỳ và các hiệp định đầu tư song phương (BITs), trong đó gần 70% liên quan tới tranh chấp trong các dự án khai thác dầu, khí đốt và khoáng sản.

Dưới đây là một số ví dụ về rủi ro tiềm tàng đối với môi trường từ đặc quyền của các nhà đầu tư và việc thực thi cơ chế nhà đầu tư – nhà nước vốn cũng đã được đưa vào TPP.

Cơ chế nhà đầu tư – nhà nước từng được sử dụng để gây áp lực tái mở cửa một số lò luyện kim gây ô nhiễm

Sở hữu bởi người đàn ông giàu nhất châu Mỹ, Tập đoàn Renco Group Inc. đã đầu tư vào một lò luyện kim ở La Oroya, Peru – khu vực thuộc top 10 vùng ô nhiễm nhất thế giới. Công ty này sau đó đã từng bị kiện trước tòa án Mỹ vì đã khiến nhiều trẻ em tại La Oroya bị nhiễm độc chì nặng. Nồng độ SO2 tại La Oroya vượt quá tiêu chuẩn quốc tế, tăng gấp đôi trong nhiều năm sau khi Renco sát nhập thành tập đoàn. Chi nhánh của Renco tại Peru đã hứa hẹn lắp đặt hệ thống xử lý sulfur vào năm 2007 trong một chương trình phục hồi môi trường. Song mặc dù không tuân thủ đúng các trách nhiệm trong hợp đồng, công ty này vẫn xin phép và tiếp tục được Peru chấp nhận 2 lần gia hạn đặc biệt để hoàn thành hệ thống.

Tuy nhiên, tháng 12 năm 2010, Renco gửi tới Chính phủ Peru thông báo về ý định khởi kiện theo cơ chế nhà đầu tư – quốc gia đối với Chính phủ Peru theo hiệp định FTA giữa Mỹ và Peru, khẳng định việc Peru không chấp nhận gia hạn lần 3 là vi phạm quyền nhà đầu tư FTA, đồng thời yêu cầu Peru bồi thường 800 triệu USD.

Trường hợp Renco cho thấy những điểm đáng lo ngại trong tranh chấp nhà đầu tư – nhà nước. Thậm chí chỉ cần một trường hợp đe dọa kiện cáo đôi khi cũng có thể tạo áp lực buộc các chính phủ nới lỏng chính sách môi trường và sức khỏe. Những diễn biến gần đây cho thấy những đe dọa như trên rất có hiệu quả.

Tập đoàn Chevron dùng tòa án giải quyết tranh chấp nhà đầu tư – nhà nước để trốn tránh vụ việc gây ô nhiễm khu vực Amazon

Kết quả sau 18 năm đấu tranh của người dân bản xứ Ecuador nhằm buộc Tập đoàn Chevron xử lý ô nhiễm chất độc khủng khiếp trên khắp vùng đồng cỏ đảo Rhode thuộc Amazon là minh chứng cho việc các tập đoàn dùng phiên tòa nhà đầu tư quốc tế trong thỏa thuận thương mại để trốn tránh công lý. Sau 18 năm thua kiện tại các tòa án Mỹ và Ecuador, cùng nhiều thủ đoạn trì hoãn không hồi kết, Chevron bị tòa án Ecuador yêu cầu đền bù 18 tỉ USD để làm sạch môi trường và xử lý thiệt hại.

Tuy nhiên, tập đoàn này đã sử dụng cơ hội lẩn trốn công lý cuối cùng bằng cách chuyển vụ kiện qua tòa án giải quyết tranh chấp “nhà đầu tư – quốc gia” đặc biệt (ad hoc) theo Hiệp định song phương Mỹ – Ecuador. Tòa án này yêu cầu chính phủ Ecuador can thiệp vào hệ thống tòa án độc lập của nước này để tạm ngưng thi hành phán quyết, mặc dù yêu cầu này là vượt quá quyền hạn. Một tòa án Ecuador đã từ chối yêu cầu của tòa án quốc tế, tuy nhiên ban hội thẩm đặc biệt có thể vẫn ngăn cản việc xử lý môi trường ở Ecuador bởi phán quyết của họ được các quốc gia khác công nhận, trong khi sự hợp tác giữa các quốc gia này là rất cần thiết để thu được 18 tỷ USD từ Chevron vốn đã không còn tài sản tại Ecuador.

Vụ việc xuất phát từ thiệt hại gây ra bởi Công ty Texaco, hoạt động tại Ecuador từ 1964 đến 1992 và được Chevron mua lại vào năm 2001. Trong thời gian này, công ty thừa nhận đã xả hơn 60 triệu mét khối nước thải độc hại vào các dòng sông suối cung cấp nước uống cho người dân địa phương. Hàng chục báo cáo kỹ thuật đã đưa ra bằng chứng về các hồ chứa nước thải độc hại và nhiều vấn đề sức khỏe trong các nhóm dân cư.

Khởi kiện chính sách về khoáng sản và nguồn nước

Vào những năm 2000 khi giá vàng leo thang, tập đoàn Khai khoáng Vành đai Thái Bình Dương (Pac Rim, Canada) mở rộng quy mô hoạt động tại El Salvador với kế hoạch khai thác vàng, áp dụng quy trình tách vàng bằng nước và xyanua. Sau nhiều thập kỷ khai thác vàng bằng xyanua-chì, El Salvador bị ô nhiễm nặng nề và khan hiếm nguồn nước sạch, từ đó dấy lên những làn sóng phản đối. Hai đảng cánh tả và cánh hữu của El Salvador đã phải cùng cam kết xem xét lại chính sách khai khoáng.

Trong khi đó, Pac Rim chưa bao giờ hoàn tất các nghiên cứu điều kiện để được cấp phép hoạt động khai khoáng và thậm chí còn dừng hoạt động. Tuy nhiên, công ty này cũng tái sát nhập tại Mỹ và chỉ vài tháng sau đó khởi kiện chính sách khai khoáng của El Savandor theo Hiệp định thương mại tự do Trung Mỹ (CAFTA). Công ty yêu cầu người dân Salvandor bồi thường 200 triệu USD, trong khi thu nhập trung bình hàng năm của họ chỉ ở mức 7.200 USD. Sự đe dọa từ CAFTA đã góp phần làm trì hoãn việc thông qua chính sách khai khoáng mới của El Sanvandor. Và sự kháng cự của người dân đã làm bùng lên tình trạng bạo lực dẫn đến cái chết của bốn nhà hoạt động chống khai mỏ tại El Sanvandor.

Đền bù 15,6 triệu USD vì không cấp phép cho nhà máy có chất thải độc hại

Trong một vụ việc NAFTA tương tự, Mexico bị yêu cầu đền bù 15,6 triệu USD cho Tập đoàn Metalclad sau khi chính quyền thành phố từ chối cấp phép xây dựng một nhà máy có chất thải độc hại cho đến khi Tập đoàn này xử lý dứt điểm những vấn đề ô nhiễm còn tồn tại. Tòa án NAFTA đã phán quyết Mexico vi phạm “tiêu chuẩn đối xử tối thiểu” của NAFTA dành cho các nhà đầu tư nước ngoài do đã không cung cấp cho công ty một môi trường luật “rõ ràng và có thể dự đoán”. Tòa án cũng phán quyết điều luật về sinh thái của địa phương là một sự chiếm đoạt gián tiếp, hay còn gọi là hình thức trưng thu thông qua các quy định pháp lý.

Trong tranh chấp nhà đầu tư – quốc gia, các tập đoàn có nhiều quyền lợi hơn

Những câu chuyện vô lí trên đây không chỉ do các nước phát triển mang đến. Năm 1996, MTD (một nhóm các nhà đầu tư Malaysia) đã quyết định xây dựng cụm khu công nghiệp ở ngoại ô Santiago, Chile. Nhưng để làm được điều đó, họ cần được cả cơ quan đầu tư nước ngoài và cơ quan quy hoạch môi trường của Chile cho phép.

Thông thường tại nhiều quốc gia, cơ quan đầu tư nước ngoài có nhiệm vụ xem xét ảnh hưởng của dòng đầu tư nước ngoài tới cán cân thanh toán quốc gia, đồng thời tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều phải tuân theo luật quy hoạch, được quản lý bởi các ban ngành với mục tiêu và chuyên môn khác nhau. Mặc dù MTD đã vượt qua những rào cản đầu tiên vào tháng 4 năm 1997, cơ quan quy hoạch Chile đã nhanh chóng ghi nhận những quan ngại về tác động môi trường sinh thái của dự án phát triển này. Và năm 2004, một phiên tòa giải quyết tranh chấp nhà đầu tư – nhà nước đã yêu cầu Chile đền bù gần 6 triệu USD cho MTD, mặc dù tòa án cũng lưu ý rằng bản thân các nhà đầu tư cũng không hoàn thành đầy đủ việc thẩm định dự án.

Để đi đến kết luận này, toà án đã sử dụng các quy định tối huệ quốc của Hiệp ước đầu tư Malaysia – Chile và cho rằng Chính phủ Chile cần hoạt động một cách thống nhất. Trong khi đó, kiểu thống nhất trong hoạch dịnh chính sách như vậy không hẳn là khả thi đối với tất cả các quốc gia tham gia TPP, khi mà nhiều nước có nhiều cấp chính quyền từ quốc gia, bang và cấp địa phương. Vấn đề đặt ra là liệu sự thống nhất này thậm chí có phải là đáng trông đợi hay không khi mà các cấp chính quyền lại có những mục tiêu hoạt động khác nhau.

Cơ chế giải quyết tranh chấp nhà đầu tư – nhà nước quá khắc nghiệt đến mức mất đi những hỗ trợ chính trị vốn có. Úc cho biết sẽ không đưa điều khoản về cơ chế nhà đầu tư – nhà nước vào các thỏa thuận thương mại của mình. Các đảng đối lập Hàn Quốc cũng từng hứa hẹn sẽ làm chệch  hướng các thỏa thuận thương mại Hàn-Mỹ trừ khi các điều khoản về cơ chế giải quyết tranh chấp nhà đầu tư – quốc gia được loại bỏ. Các nước Mỹ Latinh cũng dần rút khỏi nhiều thỏa thuận trọng tài khác nhau cho phép các tập đoàn có cơ hội khởi kiện nhà nước. Tổng thống Mỹ Obama thậm chí cũng vận động chống lại cơ chế này.

Thế nhưng các quan chức quan liêu và các doanh nghiệp lớn lại muốn giữ lại quy định này bằng bất cứ giá nào.