Việt Nam dẫn đầu khu vực về chống buôn bán động vật hoang dã

ThienNhien.Net – Vào tháng 11 tới, Việt Nam sẽ đứng ra tổ chức Hội nghị lần thứ ba về chống buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã (IWTC), nhằm kêu gọi các quốc gia đưa ra các cam kết chính trị để giải quyết vấn nạn buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã bằng nhiều giải pháp và hành động cụ thể.

Thông qua IWTC, Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định được vai trò và vị trí dẫn đầu khu vực cũng như cộng đồng quốc tế trong công tác phòng chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã; từ đó góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam.

Thông tin trên được ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp công bố tại buổi họp báo thông báo kế hoạch hoạt động của IWTC, do Đại sứ quán Vương quốc Anh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 2/2, tại Hà Nội.

Đại sứ Vương quốc Anh Giles Lever (ngồi giữa) chia sẻ tại buổi họp báo (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Đại sứ Vương quốc Anh Giles Lever (ngồi giữa) chia sẻ tại buổi họp báo (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ông Ngãi cho biết, để thể hiện quyết tâm ngăn chặn hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép, trong năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, hướng tới giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã.

“Việt Nam cũng ứng cử là nước chủ nhà tổ chức IWTC tại thành phố Hà Nội. Việc đăng cai IWTC này thể hiện những nỗ lực tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam đối với các cam kết và nghĩa vụ quốc tế trong việc giải quyết vấn đề toàn cầu,” ông Ngãi nhấn mạnh.

Hình chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: AP)
Hình chỉ mang tính minh họa (Nguồn: AP)

Chia sẻ tại buổi họp báo, Đại sứ Vương quốc Anh Giles Lever khẳng định, mặc dù tình trạng buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã ở khu vực châu Á hiện vẫn đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, Việt Nam đã có những thay đổi về Luật Hình sự, cũng như các động lực cung cấp thông tin bởi Chỉ thị của Thủ tướng về động vật hoang dã nhằm giải quyết vấn nạn buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã.

“Chính vì thế, việc Việt Nam đứng ra đăng cai tổ chức IWTC là quyết định tích cực, để kêu gọi các chính phủ đối tác cùng hướng tới việc xóa bỏ việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, cũng như thay đổi thói quen tiêu dung từ bị động sang chủ động nói không với các sản phẩm từ động vật hoang dã,” Đại sứ Giles Lever khẳng định.

Đại sứ Giles Lever cũng cho biết, để Hội nghị lần thứ ba về chống buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã diễn ra thành công, Vương quốc Anh có thể cung cấp hỗ trợ tài chính cho Việt Nam tổ chức Hội nghị. Vương quốc Anh cũng mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau về việc chuẩn bị sự kiện quan trọng này./.

Sau Hội nghị IWTC đầu tiên được tổ chức vào năm 2014, IWTC lần thứ hai được Chính phủ Cộng hòa Botswana tổ chức hồi tháng 3/2015.

Với 175 nước thành viên, CITES hiện là công cụ lớn mạnh nhất trên thế giới về bảo tồn đa dạng sinh học thông qua việc kiểm soát buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã.

CITES quy định việc buôn bán quốc tế đối với khoảng 35,000 loài động vật, thực vật, bao gồm các sản phẩm và dẫn xuất của chúng để đảm bảo sự sinh tồn của các loài này trong tự nhiên vì lợi ích sinh kế cho người dân địa phương và môi trường toàn cầu.