Mỹ bổ sung hai phân loài sư tử vào danh sách loài nguy cấp

ThienNhien.Net – Hai phân loài sư tử Panthera leo leo và Panthera leo melanochaita sẽ được bảo vệ theo Đạo luật về Các loài động vật nguy cấp (ESA) của nước Mỹ. Thông tin được Cục Hoang dã và Cá Hoa Kỳ (FWS) công bố hôm thứ hai vừa qua.

Quy định mới này sẽ có hiệu lực vào ngày 22/01/2016, trong đó áp đặt các yêu cầu khắt khe hơn đối với việc cấp giấy phép săn bắn cũng như nhập khẩu hai phân loài sư tử Panthera leo và cả những loài sư tử khác vào Mỹ.

Theo cách phân loài mới, quần thể sư tử ở Ấn Độ, Tây Phi và Trung Phi đều được hợp nhất vào phân loài Panthera leo leo. Kể cả như vậy thì cũng chỉ còn 1.400 cá thể loài này sống trong điều kiện hoang dã. Do vậy, Panthera leo leo được liệt vào danh sách loài nguy cấp theo Đạo luật ESA.

Phân loài sư tử Panthera leo melanochaita, bao gồm các loài sư tử ở Nam và Đông Phi được liệt vào danh sách các loài bị đe dọa theo Đạo luật ESA. Số lượng loài này trong tự nhiên vào khoảng từ 17.000 đến 19.000 con.

Ông Dan Ashe, Giám đốc Cục Hoang dã và Cá Hoa Kỳ chia sẻ: Chúng tôi muốn bảo vệ các phân loài sư tử dễ bị tổn thương và có nguy cơ tuyệt chủng ở Ấn Độ và Châu Phi. Quy định này sẽ đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt hơn trong việc cấp giấy phép mới và hạn chế việc nhập khẩu sư tử vào Mỹ để phục vụ cho môn thể thao săn bắn; đóng góp đáng kể vào việc bảo vệ hai phân loài sư tử này.

Sư tử ở Nam Phi (Ảnh: Rhett Butler)
Sư tử ở Nam Phi (Ảnh: Rhett Butler)

Mỹ hiện là nước nhập khẩu lớn nhất loài sư tử phục vụ cho môn săn thú thế giới. Theo khảo sát của đài NBC Bay Area (US), trong năm 2014, 700 con sư tử đã được nhập khẩu vào nước này với mục đích làm chiến lợi phẩm cho những cuộc đi săn. Một khi quy định mới có hiệu lực, việc nhập khẩu sư tử sống vào Mỹ sẽ khó khăn hơn.

Theo quy định mới, sư tử Panthera leo melanochaita chỉ được phép nhập khẩu từ những nước đang có các chương trình quản lý, bảo vệ các loài sư tử này là Tanzania, Zimbabwe và Nam Phi.

Quy định mới cũng cấm nhập khẩu sư tử Panthera leo leo, ngoại trừ trường hợp có giấy phép chứng minh việc nhập khẩu này sẽ có lợi cho loài này như nhập khẩu vì mục đích nghiên cứu khoa học, phục vụ hoạt động tuyên truyền bảo vệ động vật.

Một nghiên cứu năm 2015 cho biết khoảng 50% quần thể các loài sư tử ở Tây, Trung và Đông châu Phi có thể sẽ biến mất trong vòng 20 tới. Vì vậy, các nhà bảo tồn rất hoan nghênh quyết định của chính phủ Mỹ.

“Động thái của chính phủ Mỹ rất cần thiết cho việc phục hồi loài săn mồi hàng đầu, mang tính biểu tượng của hành tinh này. Việc liệt kê hai phân loài sư tử này vào danh sách nguy cấp sẽ khuyến khích bảo vệ, quản lý tốt hơn các quần thể sư tử còn lại” – ông John Robinson, Phó Giám giám Chương trình Bảo tồn toàn cầu của Hiệp hội Bảo vệ Động vật Hoang dã (WCS) nhận định.

Tháng trước, Pháp cũng đã ban hành quy định cấm nhập khẩu sư tử để phục vụ cho môn thể thao săn bắn.