Lâm Đồng: Cần chặn đứng nạn khai thác khoáng sản trái phép

ThienNhien.Net – UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành văn bản yêu cầu xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao, để xảy ra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trái phép trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động khai thác trái phép thuộc địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Tuy nhiên, thực tế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn âm thầm diễn ra tại nhiều huyện trên địa bàn…

Thực trạng nhức nhối

Những ngày cuối tháng 11/2015 trở lại thăm các “điểm nóng” khai thác khoáng sản trái phép ở Lộc Châu, Đại Lào (TP Bảo Lộc), Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) phóng viên tận mắt chứng kiến nạn khai thác cát, cao lanh trái phép tuy có phần lắng dịu hơn trước song vẫn âm thầm diễn ra.
Trò chuyện với chúng tôi, nhiều người cho biết do giá cát, đá, cao lanh trên thị trường hiện nay tăng cao và có nhu cầu lớn nên từ năm 2005 đến nay, hàng chục tổ chức, cá nhân đã cố “chạy” cho bằng được Giấy phép khai thác cát, đá, cao lanh. Người không “chạy” được thì khai thác lậu, bố trí người canh gác và “bắt tay” với cán bộ nhờ “a lô” báo trước nếu có Đoàn kiểm tra, rủi bị bắt thì nộp phạt. Nhiều giấy phép đến nay đã hết hạn đã 3-4 năm song họ vẫn tiếp tục khai thác để kiếm được đồng nào hay đồng đó.

UBND huyện Bảo Lâm cho hay, thời gian qua đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại địa bàn các xã: Lộc Ngãi, Lộc Đức, Lộc Bảo, Lộc Bắc, Lộc Tân, Lộc Lâm và B’Lá và đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép. Trong đó, Cty Thành Luân (trụ sở tại phường 2, TP Bảo Lộc) bị phạt nhiều nhất (24 triệu đồng) vì khai thác cát không phép tại khu vực lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 4. Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng xác định Cty này đã khai thác cát với công suất 10 – 15 m3/ngày. Ngoài ra còn có 3 cá nhân khác cũng bị xử phạt từ 6 đến 10 triệu đồng vì khai thác đá xây dựng không phép tại các xã Lộc Đức, Lộc Ngãi, Lộc Lâm. Tuy nhiên, sau đó “đâu lại vào đấy”, các tổ chức, cá nhân vẫn lén lút khai thác khoáng sản trái phép.

Khai thác khoáng sản trái phép ở Lâm Đồng.
Khai thác khoáng sản trái phép ở Lâm Đồng.

Hệ lụy

Cũng vì tình trạng lợi dụng việc cấp phép để khai thác khoáng sản tràn lan, hủy hoại môi trường nghiêm trọng khiến dân chúng kêu ca nên vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định chấm dứt hiệu lực, không gia hạn giấy phép của 8 đơn vị, cá nhân khai thác khoáng sản (cát xây dựng) gồm: Cty Đồng Tình (TP Bảo Lộc), Cty Tân Thùy Nhiên (Bảo Lâm), DNTN Phú Long (Bảo Lộc), ông Khiếu Văn Trúc (Bảo Lâm), ông Phan Đình Hưng (Bảo Lộc), ông Trần Văn Thành (Bảo Lâm) và bà Trần Thị Nguyệt (Bảo Lộc).

Theo quy định của Luật Khoáng sản, sau khi bị thu hồi giấy phép, chậm nhất 30 ngày các đơn vị, cá nhân này phải di dời toàn bộ tài sản của mình ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản và phải thực hiện việc phục hồi, cải tạo môi trường theo quy định của pháp luật. Nhưng cho đến nay phần lớn các tổ chức, cá nhân nói trên vẫn “bình chân như vại”. Đối với 9 giấy phép không được UBND tỉnh gia hạn gồm các đơn vị: Cty Lan Chi Cty Cao Phát, Cty phát triển khoáng sản Duy Tân, Cty Anh Kiên, DNTN Động Lực, Cty Hanh Thông, HTX Sao Mai, Cty Phú Gia Phát hiện nay tuy không còn hoạt động khai thác nhưng hiện trạng mỏ vẫn để nham nhở, dốc đứng, không phục hồi môi trường và hoàn nguyên, song cũng chưa thấy ai bị xử lý.

Liên quan đến vần đề giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn vẫn hoạt động bình thường, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND huyện Bảo Lâm kiểm tra làm rõ các tổ chức, cá nhân trên có lợi dụng giấy phép để khai thác bất hợp pháp, trốn thuế, phí hay không? Bởi lẽ trên thực tế, giấy phép khai thác cấp cho các đơn vị này hết hạn đã lâu, có trường hợp đã hết hạn 3 – 4 năm nhưng đến nay mới được trình lên UBND tỉnh để thu hồi. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở TN&MT nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc kiểm tra giấy phép khai thác khoáng sản trong tỉnh; đồng thời khẩn trương phối hợp với các huyện, thành phố rà soát, trình UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác tại các khu vực khai thác đã hết hạn khác.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm hiện nay có 3 giấy phép khai thác cao lanh do Bộ TN&MT cấp cho 3 Cty còn thời hạn gồm: Cty CP khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng, cấp ngày 29/8/2006 với diện tích khai thác 11,51ha, thời hạn 16 năm; Cty CP L.Q Joton, cấp ngày 16/5/2011, diện tích 60ha, thời hạn 18,5 năm; Cty Tuấn Thiện, cấp ngày 10/2/2015, diện tích 75,05ha, thời hạn 29 năm. Còn trong 10 giấy phép khai thác cát lẫn cao lanh, hoặc cao lanh lẫn cát, sét, diatomit do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp từ năm 2005 và những năm sau đó, đến nay chỉ còn một giấy phép khai thác cát, sét của Cty Phú Gia Phát còn hiệu lực đến 15/6/2016.

Về pháp lý là vậy nhưng tại thực địa, các Cty được cấp phép nói trên vẫn thường xuyên xảy ra khai thác cát, cao lanh ngoài giấy phép tại các khu vực. Người dân địa phương cho biết, hoạt động của “khoáng tặc” vẫn diễn ra thường xuyên, nhất là thời điểm vào ban đêm và những ngày nghỉ như thứ bảy, chủ nhật, thậm chí cả ban ngày, nhưng trước khi đoàn kiểm tra đến thì họ đều biết trước nên ngừng hoạt động, cho di chuyển xe máy, thiết bị khai thác ra khỏi khu vực, xem như… “không có gì”!

Trước tình hình đó, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã ký văn bản yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao, để xảy ra hoạt động khai thác, chế biến trái phép trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động khai thác trái phép thời gian dài thuộc địa bàn xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc. Nếu tiếp tục để xảy ra hoạt động khai thác trái phép trên địa bàn các xã Lộc Châu, Đại Lào và Lộc Tân, Chủ tịch UBND các xã này phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và trước pháp luật.

Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, các cơ quan chức năng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết chấm dứt các hoạt động trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cho đến nay tình hình vẫn chưa thực sự có chuyển biến tích cực. Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền các địa phương và ngành chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ, xử lý quyết liệt hơn nữa thì mới mong chấm dứt được tình trạng “khoáng tặc” hủy hoại môi trường như hiện nay.