Sông Gâm bị “đầu độc”: Ai phải chịu trách nhiệm?

ThienNhien.Net – Tình trạng dòng sông Gâm bị “đầu độc” và ô nhiễm nghiêm trọng đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng bỏ ngoài tai những lời khẩn thiết của người dân.

Tận mắt chứng kiến và trải nghiệm cùng những những người dân sống gần khu vực nơi Nhà máy tre đũa, giấy đế và bột giấy Na Hang chúng tôi mới thấy được sự khốn khổ của người dân khi sống quanh khu vực này. Chúng tôi đã đi vào con lạch nhỏ, nơi giao thoa của con suối từ trên núi chảy xuống và đổ vào dòng sông Gâm hiền hòa để mục sở thị

Nước thải được đổ trực tiếp ra suối rồi hòa vào sông Gâm
Nước thải được đổ trực tiếp ra suối rồi hòa vào sông Gâm

Thuyền tiến sâu hơn, hai bên bờ cá tép chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Nước sông ở khu vực này có thứ màu rất lạ, đen xì, bọt nổi trắng xóa và mùi thì không thể chịu nổi. Chỉ cần chạm tay xuống nước, lớp váng cộng với bọt lẫn với mùi không khí sẽ khiến bạn bị ngứa ngáy. Thế mới biết, người dân sống gần khu vực Nhà máy sả thải đã phải chịu đựng những gì.

Theo quan sát, địa điểm nơi Nhà máy tre đũa, giấy đế và bột giấy Na Hang hoạt động (Km 15, xã Thanh Tương, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) nằm ngay cạnh một khe suối. Quá trình hoạt động, nhà máy này đã đổ nước thải ra ngay khe suối và chảy thẳng vào sông Gâm.

Bể nước xử lý nứt toác, đen kịt
Bể nước xử lý nứt toác, đen kịt

Tại khu vực này, nhiều hộ dân sinh sống bằng nghề chài lưới và trồng rừng. Mặc dù đã có rất nhiều lá đơn phản ánh về thực trạng ô nhiễm trên địa bàn gửi đến các cơ quan chức năng huyện Na Hang và tỉnh Tuyên Quang. Nhưng không biết vì nguyên nhân gì, mà Nhà máy nói trên vẫn tiếp tục hoạt động và ngày đêm xả nước thải ra môi trường.

Hệ thống xử lý nước thải
Hệ thống xử lý nước thải

Chị Phan Thị Thoa than thở: “ Em thì nhiều tuổi rồi, vì kiếm kế mưu sinh nên vẫn phải tiếp tục bám trụ tại nơi này để làm việc và sinh sống. Điều mà chúng em lo lắng và con em mình có bị ảnh hưởng gì không khi suốt ngày phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm như vậy”.

Cơ quan chức năng nói gì?

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Ngọc – Giám đốc Nhà máy tre đũa, giấy đế và bột giấy Na Hang được biết: “Nhà máy tre đũa, giấy đế và bột giấy Na Hang được đi vào hoạt động và đóng trên địa bàn huyện Na Hang năm 2009. Nhà máy là chi nhánh của Nhà máy giấy tỉnh Tuyên Quang. Sản xuất chủ yếu là đũa tre, giấy làm vàng mã và bột giấy nguyên liệu.”

Ông Nguyễn Bá Ngọc - Giám đốc Nhà máy tre đua, giấy đế và bột giấy Na Hang
Ông Nguyễn Bá Ngọc – Giám đốc Nhà máy tre đua, giấy đế và bột giấy Na Hang

Khi hỏi về việc người dân phản ánh Nhà máy xả thải nước ô nhiễm ra môi trường thì ông Ngọc khẳng định: “Quy trình xử lý nước thải của nhà máy là một quy trình khép kín theo vòng tuần hoàn. Nghĩa là nước thải trong quá trình sản xuất được xử lý hoàn toàn trong hệ thống xử lý của nhà máy và không có nước thải ra môi trường.”

Thế nhưng, khi chúng tôi đưa ra dẫn chứng bằng việc nguồn nước bị ô nhiễm và cá chết trên sông nơi tiếp giáp với Nhà máy thì ông Ngọc phần trần: “Chu trình nước của Nhà máy thì quay đầu tuần hoàn lại. Tuy nhiên trong quá trình sản xuất không tránh khỏi nước bẩn bắn ra môi trường”.

Bên cạnh đó, ông Ngọc cũng cho rằng các hộ dân phía trên núi xả nước sinh hoạt ra suối dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm ?!.Trong khi đó, bể nước đen xì, hôi thối được lãnh đạo Nhà máy giải thích là hệ thống tuần hoàn đã cạn tới đáy.

Tiếp tục thông tin nói trên, chúng tôi đã tìm đến các cơ quan chức năng huyện Na Hang để tìm ra nút thắt trong vụ việc này. Tuy nhiên, trái với niềm hy vọng của chúng tôi về việc dòng sông Gâm sẽ được giải cứu thì vị lãnh đạo Phòng tài nguyên môi trường huyện Na Hang đùn đẩy trách nhiệm lên các cơ quan chức năng cao hơn.

Trao đổi với ông Nguyễn Thế Mạnh – Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Na Hang được biết: “Phòng đã nhận được thông tin về việc Nhà máy bột giấy đóng trên địa bàn xả thải ra môi trường. Nhận được thông tin, Phòng đã cử cán bộ xuống tận nơi kiểm tra. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra chỉ là quan sát “bằng mắt thường” vì không có các thiết bị đo đạc nên sau đó chỉ lập biên bản kiểm tra và nhắc nhở Nhà máy không được xả thải ra môi trường nữa.”

Ông Nguyễn Thế Manh - Trường phòng TN&MT huyện Na Hang
Ông Nguyễn Thế Manh – Trường phòng TN&MT huyện Na Hang

Ông Mạnh cho biết thêm: “Nhà máy về hoạt động từ năm 2009, sản xuấy giấy đế, vàng mã, vàng hương. Doanh nghiệp này do tỉnh Tuyên Quang cấp phép hoạt động, Huyện không quản lý. Chúng tôi có nghe, có nhận được thông tin phản ánh của người dân, và đã cho kiểm tra nhắc nhở nhưng không hẳn lúc nào cũng kiểm tra hết được.”

Không biết đến bao giờ người dân xã Thanh Tương và dòng sông Gâm thơ mộng mới được giải cứu khỏi sự ô nhiễm đang ngày đêm đe dọa?

Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.