Nhượng quyền sử dụng đất làm gia tăng đói nghèo ở Campuchia

ThienNhien.Net – Gần 80.000 người dân Campuchia đã chịu ảnh hưởng từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các công ty, trong đó nhiều người mất nơi ở và rơi vào cảnh đói nghèo. Thông tin trên được tiết lộ trong báo cáo mới đây của Diễn đàn Các tổ chức Phi chính phủ (NGO forum) tại Campuchia.

Một công ty đang san ủi đất rừng cho thuê tại tỉnh Ratanakirri. (Ảnh: Thời báo Phnompenh)
Một công ty đang san ủi đất rừng cho thuê tại tỉnh Ratanakirri. (Ảnh: Thời báo Phnompenh)

Theo báo cáo “Phân tích Thống kê Tranh chấp Đất đai” (Statistical Analysis of Land Disputes), các nhà nghiên cứu đã xem xét các ghi chép trong năm 2014 và kết luận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai là nguyên nhân gây ra 1/3 số vụ tranh chấp. Xung đột xảy ra nhiều nhất ở thủ đô Phnom Penh, sau đó là phía đông của tỉnh Ratanakkiri. Đồng thời, hoạt động nhượng quyền sử dụng đất cũng làm trầm trọng hơn tình trạng nghèo đói ở các địa phương. Một nạn nhân trong một vụ tranh chấp năm 2010, bà Yong Rann kể lại: “Từ khi công ty đến lấy đất, chúng tôi không còn được canh tác trên mảnh đất của mình nữa. Tôi đã phải cầu xin họ ngừng san bằng đồng ruộng…”.

Ông Tek Vannara, Giám đốc điều hành Diễn đàn các tổ chức Phi chính phủ tại Campuchia cho rằng chính phủ cần tăng cường hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi tranh chấp đất đai để họ có thể cùng được hưởng lợi từ sự phát triển. “Hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức chính phủ, phi chính phủ và nạn nhân của hoạt động chuyển quyền sử dụng đất là giải pháp công bằng và hữu hiệu nhất để giải quyết các tranh chấp đất đai”, ông nói.

Theo E Bunthoeun, phó chủ nhiệm ủy ban chính phủ về giải quyết tranh chấp đất đai, Bộ Quản lý đất đai Campuchia dự kiến giải quyết vấn đề này bằng cách tham vấn trực tiếp và phân quyền sở hữu cho người dân. Cho đến nay, Bộ đã cấp quyền sở hữu đất đai cho khoảng trên 2 triệu hectar.

Cùng lúc đó, chính phủ Campuchia cũng đang xem xét lại chính sách chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai và đã quyết định giảm thời gian cho thuê đất từ 99 năm xuống 50 năm đối với một số dự án.

Mặc dù vậy, rất nhiều nông dân vẫn đang chịu cảnh mất đất, thiếu công ăn việc làm và nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác từ tranh chấp đất đai., Mâu thuẫn đất đai đã trở thành vấn đề chính sách nhức nhối đối với Campuchia và 15 triệu dân của nước này trong 10 năm trở lại đây.

Chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai là hợp đồng giữa Nhà nước và một công ty, doanh nghiệp cam kết tổ chức hoặc hoàn thiện sản xuất (khai thác gỗ, khai thác than, dầu lửa, khoáng sản v.v..) và trả cho Nhà nước một phần sản phẩm, một phần lợi nhuận. Trong thời kỳ Khmer đỏ, đất đai ở Campuchia đều thuộc sở hữu của nhà nước, vì vậy sau khi Khmer đỏ bị hạ bệ năm 1979, việc phân định rạch ròi địa giới phân chia đất là gần như bất khả thi và phần lớn đất đai vẫn thuộc sở hữu của nhà nước. Luật đất đai năm 2001 của Campuchia đã cho phép người dân được quyền đăng ký sở hữu cá nhân với bất động sản nhưng còn rất nhiều rào cản và khó khăn do phần lớn bằng chứng sở hữu đất đều không còn như đã đề cập ở trên.