Lao đao vì mỏ

ThienNhien.Net – Với lợi thế về 30 loại kháng sản, tập trung tại 100 điểm mỏ, những năm trước, khai khoáng đã được coi là lợi thế của tỉnh Hà Giang, thu hút rất nhiều các doanh nghiệp tìm đến. Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình cảnh lao đao. Cùng với cảnh khó khăn của các doanh nghiệp khai khoáng này là tình cảnh mất công ăn việc làm của người lao động, nợ bảo hiểm, nợ thuế…

Nhiều khai trường đã rơi vào tình trạng đóng cửa hoạt động.
Nhiều khai trường đã rơi vào tình trạng đóng cửa hoạt động.

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông vốn là doanh nghiệp lớn, được coi là “anh cả” về khai khoáng. Trong một thời gian ngắn, “bén duyên” với mỏ trên địa bàn, cùng với các giấy phép được cấp tại những nơi được coi là có trữ lượng, thuận lợi về khai thác như Tùng Bá (Vị Xuyên), Minh Sơn (Bắc Mê), doanh nghiệp này đã đem cho tỉnh nhà những hy vọng.

Ngoài thuế nộp ngân sách, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương thì doanh nghiệp này còn đi đầu trong đóng góp phúc lợi xã hội. Tuy nhiên đấy là chuyện của những năm về trước. Còn hiện tại, doanh nghiệp này đã gặp khó khăn, dẫn tới việc phải trả lại 2 giấy phép khai thác cho Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như tỉnh Hà Giang.

Hai giấy phép được doanh nghiệp tự nguyện xin trả gồm: Giấy phép số 872/GP-BTNMT ngày 8/5/2009, khai thác quặng Sắt tại mỏ Tùng Bá (Vị Xuyên) và giấy phép số 1224/GP-BTNMT ngày 24/6/2011, khai thác quặng Sắt tại khu Cao Vinh, Khuôn Làng nằm trên địa bàn xã Tùng Bá, Thuận Hòa (Vị Xuyên) và Thái An (Quản Bạ).

Đối với giấy phép số 872, sau khi có hiệu lực, doanh nghiệp đã hoàn thiện các thủ tục sau cấp phép, đi vào khai thác từ Quý IV-2011, nhưng đến tháng 7/2012 đã tạm dừng hoạt động. Còn giấy phép số 1224, cũng chỉ hoạt động khai thác từ tháng 4/2013 và buộc phải tạm dừng vào tháng 10/2014.

Lý giải việc tự nguyện trả lại giấy phép, đại diện doanh nghiệp cho biết: Do điều kiện khai thác khó khăn, phức tạp, tầng phủ đất đá quá lớn, chất lượng quặng sắt nghèo dẫn đến chi phí khai thác và giá thành tinh quặng cao. Từ năm 2014 đến nay, giá bán tinh quặng sắt giảm rất mạnh, không tiêu thụ được.

Mặt khác theo quy định của Nhà nước, doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính, phải nộp thêm các khoản tiền lớn gồm trên 117 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, trên 33 tỷ đồng tiền sử dụng số liệu thông tin địa chất đối với 2 mỏ trên. Những chi phí này đã góp phần đẩy giá thành sản xuất tăng cao, nếu tiếp tục duy trì sẽ dẫn đến tình trạng kinh doanh thua lỗ, vượt quá khả năng tài chính. Hiện tại, doanh nghiệp đang hoàn tất các thủ tục trả lại mỏ theo đúng quy định của Nhà nước.

Việc trả mỏ ở những nơi được coi là “màu mỡ” của Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông đang được coi như một báo động đỏ về mỏ và nghề khai thác khoáng sản ở Hà Giang. Tuy nhiên, cái giờ đây người ta lo lắng nhất đấy là công ăn việc làm của người lao động theo cam kết của doanh nghiệp với địa phương trước khi vào khai thác. Họ sẽ đi đâu, về đâu khi doanh nghiệp trả mỏ và thu gọn hoạt động của mình.

Trong trụ sở của một Cty TNHH khai khoáng có tên QL. đóng trên địa bàn huyện Vị Xuyên, ông H. – Giám đốc, một đại gia dưới Hà Nội thở ngắn than dài. Theo lời kể của ông H., đầu năm 2009, qua một đợt làm quen, ông đã được một người trên Hà Giang rủ lên mở Cty khai thác khoáng. Với sự mời mọc của đối tác này, lại thấy nhiều người đổ xô vào nghề này ở Hà Giang, thế là ông gật đầu lao vào kiếm tìm cơ hội.

Với hơn 20 tỷ đồng có được do đem cắm ký 2 ngôi nhà và vay mượn thêm ông đầu tư vào khu xưởng tuyển và mở đường vào điểm khai khoáng. Nhưng niềm vui chưa có thì ông đã hốt hoảng vì mỏ cạn kiệt.

Chỉ sau 3 tháng máy móc chạy và tuyển công nhân thì nay ông đã không có quặng để khai thác nữa. Trắng tay và nợ nần là tình cảnh của nhiều cá nhân và các tổ chức đang tham gia khai khoáng trên địa bàn Hà Giang.

Trong các Cty có tên tuổi về khai khoáng ở Hà Giang phải kể đến sự liên kết đến dở khóc, dở cười của Cty TNHH DT và Cty Cổ Phần Luyện kim mầu của tỉnh nhà. Theo sự liên kết, 2 Cty này đã quyết định hợp tác để có chiếc mỏ rộng đến 30ha ở khu vực Bản Đén (Tùng Bá – Vị Xuyên). Trên địa bàn Hà Giang xã Tùng Bá vốn là nơi nổi tiếng với sắt và trữ lượng các loại mỏ ở đây.

Giấy phép cấp cho mỏ được bắt đầu từ tháng 7 năm 2009 nhưng đến nay khu vực sản xuất, dây chuyền sàng tuyển của 2 Cty này vẫn chưa thể hoạt động được vì không có khoáng sản cùng với đó là sự gánh chịu do lãi suất của ngân hàng.

Theo khảo sát gần đây, hiện với 20 mỏ được cấp phép khai thác nhưng trong vòng 3 năm qua họ mới giải quyết được trung bình có 60 lao động/mỏ. Thế nhưng theo người dân thì cuộc sống của họ được các mỏ tạo điều kiện cho giải quyết công ăn việc làm cho người địa phương không giống như cam kết. Số mỏ làm ăn được chỉ đếm trên đầu ngón tay còn lại phần lớn các mỏ đều rơi vào tình cảnh lao đao.