Cần quy định xử lý đặc thù với tang vật là động vật hoang dã

ThienNhien.Net – Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong chính sách bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là với công tác xử lý tội phạm liên quan đến hoạt động buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập cần tháo gỡ, đặc biệt là vướng mắc trong công tác xử lý tang vật là động vật hoang dã.

Câu chuyện về 70 cá thể tê tê đang “sống mòn” tại Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã là một minh chứng. Tháng 8/2015, Chương trình Nghiên cứu và Bảo tồn Thú ăn thịt nhỏ và tê tê (chương trình hợp tác giữa Vườn Quốc gia Cúc Phương và Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã) cứu hộ hơn 60 cá thể tê tê từ các vụ buôn bán bất hợp pháp tại Ninh Bình và Thanh Hóa. Sau hơn một tháng chăm sóc, hơn 60 cá thể đều khỏe mạnh, không bị lây nhiễm bệnh. Cộng với số cá thể tê tê được chăm sóc tại Trung tâm từ trước thì có khoảng 70 cá thể tê tê đạt tiêu chuẩn thả về tự nhiên. Tuy nhiên, Cơ quan Công an và Kiểm lâm hai tỉnh không đồng ý cho tái thả với lý do vụ việc chưa được xử lý và chưa có quyết định xử lý tịch thu đối với tang vật vụ án (thực hiện theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003).

Cụ thể, Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 quy định: “Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra, do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Tòa án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử”. Điều này đồng nghĩa với việc động vật hoang dã sau khi tịch thu là vật chứng của vụ án và chỉ có quyết định tịch thu và xử lý sau khi vụ án kết thúc.

Voi ở Tây Nguyên (Ảnh: Dương Văn Thọ/PanNature)
Voi ở Tây Nguyên (Ảnh: Dương Văn Thọ/PanNature)

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều vụ án có thể kéo dài trong nhiều tháng và hệ quả của việc lưu giữ động vật quá lâu có thể khiến chúng bị chết tại cơ quan bảo quản tang vật hoặc các cơ sở cứu hộ. Điều này rất dễ xảy ra bởi nhiều loài động vật hoang dã rất khó nuôi trong môi trường nhân tạo, chúng vốn ăn thức ăn tự nhiên, không quen với việc nuôi nhốt và một số loài sống đơn lẻ,. Thậm chí, khi được đưa về các cơ sở cứu hộ thì bản thân các cơ sở này cũng không đủ điều kiện để chăm sóc trong thời gian vài tháng hoặc cả năm. Đơn cử như đối với 70 cá thể tê tê nêu trên, chỉ riêng tiền thức ăn hàng tháng đã lên đến gần 99 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nguồn ngân sách của Trung tâm phục vụ mục đích cứu hộ khá hạn hẹp, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn kinh phí phi lợi nhuận từ những tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Thêm vào đó, hiện Trung tâm chỉ có 28 chuồng trại nuôi tê tê nên nhiều chuồng phải nhốt chung từ 4 đến 5 cá thể (so với tiêu chuẩn là 1 cá thể tê tê/chuồng). Việc nuôi nhốt nhiều tê tê cùng một nơi có thể khiến khả năng sống sót của loài này giảm đi, trong khi lẽ ra cần sớm tái thả chúng khi đủ điều kiện – đây là cách vừa cứu sống loài, vừa giảm chi phí chăm sóc tại các trung tâm cứu hộ.

Hiện nay rất nhiều nước trên thế giới như Singapore, Đài Loan, Zimbabwe, Thái Lan, Indonesia và Malasia… đều áp dụng phương thức tái thả ngay sau khi tịch thu từ các vụ buôn bán trái phép và chỉ giữ lại chăm sóc những cá thể yếu hoặc bị thương. Thậm chí, riêng đối với tê tê – loài cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ IUCN – mọi hoạt động săn bắt, buôn bán trái phép đều bị xử lý hình sự nhưng tê tê vẫn được thả trước khi xét xử.

291015_dvhdTrên thực tế, chưa có bất kỳ nơi nào sinh sản thành công tê tê để buôn bán thương mại, vì vậy, toàn bộ tê tê tịch thu được đều có nguồn gốc trái phép. Để thu thập vật chứng vụ án, thiết nghĩ chỉ cần lập hồ sơ với đầy đủ tên loài, số cá thể, trọng lượng và lưu giữ lại hình ảnh, sau đó cần thả gấp những cá thể động vật hoang dã về tự nhiên nếu điều kiện sức khỏe của chúng cho phép. Đây không chỉ là vấn đề riêng với loài tê tê mà là vấn đề chung của rất nhiều loài động vật hoang dã sau khi bị thu giữ từ các vụ buôn bán, săn bắt trái phép.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khả năng cứu hộ các loài động vật cũng không đảm bảo được cuộc sống của chúng trong một thời gian dài hoặc khả năng sinh tồn khi được thả về tự nhiên không cao thì phương án khả thi nhất là tiêu hủy nhân đạo – theo khuyến cáo của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Cụ thể, theo Hướng dẫn của IUCN[1], trong trường hợp không thể chuyển tang vật là động vật hoang dã đến các cơ sở cứu hộ hoặc thả lại tự nhiên, giải pháp tiêu huỷ nhân đạo (tạo cái chết không gây đau đớn) sẽ giúp loại trừ rủi ro về gen, sinh thái và các rủi ro khác xảy ra đối với các quần thể hoang dã và hệ thống sinh thái; loại bỏ nguy cơ lây nhiễm bệnh nghiêm trọng cho quần thể động vật hoang dã hoặc bị nhốt; và đây cũng thường là giải pháp ít tốn kém nhất. Đặc biệt, điều này cũng giúp chấm dứt hoàn toàn việc động vật hoang dã tiếp tục bị lưu thông ra ngoài thị trường, nâng cao hình ảnh/sức mạnh của hệ thống luật pháp so với giải pháp bán hoá giá.

Những phân tích trên cho thấy sự cần thiết bổ sung vào Khoản 1 Điều 79 về bảo quản vật chứng của Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi về bảo quản vật chứng như sau: “Vật chứng là động vật hoang dã còn sống thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm, sau khi bị bắt giữ cần được lập hồ sơ xác định tên loài, số lượng, lưu lại hình ảnh rồi tiến hành thả lại tự nhiên hoặc giao cho các cơ sở cứu hộ chăm sóc trước khi đảm bảo điều kiện thả tự nhiên hoặc thực hiện tiêu hủy nhân đạo nếu không áp dụng được hai biện pháp nêu trên”.

Nguyễn Văn Thái – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife)      


[1] Hướng dẫn của IUCN về việc xử lý động vật bị tịch thu: Bản tiếng AnhBản tiếng Việt