Vòng đàm phán quyết định trước hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Ngày 19/10, Hội nghị trù bị cuối cùng nhằm hoàn tất thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu dự kiến được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Pháp vào cuối năm nay, đã khai mạc tại thành phố Bonn, miền Tây nước Đức.

Hội nghị trù bị trên, với sự tham gia của các nhà ngoại giao và giới chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới, được kỳ vọng bởi đây là hội nghị cuối cùng để các bên nhất trí về một văn kiện dự thảo hoàn thiện cho Hiệp định về chống biến đổi khí hậu, làm cơ sở để các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận và thông qua tại Paris vào tháng 12 tới. Dự kiến, trong năm ngày diễn ra hội nghị, các bên sẽ tiếp tục thảo luận về một văn kiện dài 20 trang vốn đã được chuẩn bị qua các hội nghị trù bị trước đây.

Khói thải ra từ một xưởng sản xuất gạch ở ngoại ô thành phố Chandigarh, phía bắc Ấn Độ năm 2009 (Nguồn: Reuters/TTXVN)
Khói thải ra từ một xưởng sản xuất gạch ở ngoại ô thành phố Chandigarh, phía bắc Ấn Độ năm 2009 (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Theo ông Christoph Bals, Giám đốc chính trị thuộc tổ chức Môi trường và Phát triển Germanwatch của Đức, nếu hội nghị trù bị cuối cùng đạt được văn kiện cụ thể, một Hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu ở Paris “đang ở rất gần.” Tuy nhiên, theo ông, vẫn còn một số vấn đề trọng tâm cần tiếp tục làm rõ và đạt được sự nhất trí như quyết tâm thoát khỏi việc sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch từ giữa thế kỷ này; đẩy sớm thời hạn tiến hành vòng đầu tiên hiệu chỉnh mục tiêu bảo vệ khí hậu của các nước lên năm 2020 so với dự kiến vào năm 2024.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ tài chính trong tương lai cho các nước nghèo hơn cũng chưa được làm rõ. Ông cũng cho biết, những mục tiêu đặt ra cho tới nay tuy giúp giảm tốc độ biến đổi khí hậu, song hiện tượng ấm lên toàn cầu vẫn chưa thể giới hạn ở mức dưới 2 hoặc thậm chí 1,5 độ C. Hiện nay, khoảng 150 quốc gia đã cam kết tình nguyện cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sau năm 2020, thời điểm một thỏa thuận chung về biến đổi khí hậu bắt đầu có hiệu lực.

Trong khi đó, đại diện các nước châu Phi ngày 18/10 cũng đã lên tiếng phản đối bản dự thảo về biến đổi khí hậu đạt được cho tới nay, coi văn kiện này là bất công và cần sửa đổi để có thể đạt được sự nhất trí chung. Nhiều nước châu Phi, nơi được xem dễ bị ảnh hưởng nhất do hậu biến đổi khí hậu như sa mạc hóa hay mực nước biển tăng lên, cho rằng văn kiện dự thảo cần nhấn mạnh về sự ủng hộ tài chính nhằm giúp các nước nghèo đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Các nước giàu đã cam kết huy động khoảng 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020 để giúp các nước dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đối phó với tình trạng ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên, các nước đang phát triển cho rằng cam kết tài chính này không chỉ là tổng số tiền mà cần cụ thể, là số tiền sẽ lấy từ đâu và được sử dụng ra sao.

Tại Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc (COP-20) ở Lima (Peru) cuối năm 2014, các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC) đã đạt được thỏa thuận khung về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn còn ở xa mục tiêu trở thành một văn kiện pháp lý quốc tế ràng buộc.

Nguồn: