Sử dụng hóa thạch để dự báo tuyệt chủng

ThienNhien.Net – Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã sử dụng các mẫu hoá thạch 23 triệu năm tuổi để xác định xem những loài động vật và hệ sinh thái biển nào hiện đang bị đe dọa bên bờ tuyệt chủng. Theo thông tin đăng trên Tạp chí Science, hầu hết các loài động vật và hệ sinh thái này đều thuộc các khu vực nhiệt đới.

Cá voi (Nguồn: news.berkeley.edu)
Cá voi (Nguồn: news.berkeley.edu)

Phân tích mẫu hóa thạch cho thấy trong suốt 23 triệu năm, những dấu hiệu tuyệt chủng, mật độ phân bổ và các chủng loại sinh vật có xu hướng đồng nhất. Vì vậy, các mẫu hoá thạch có thể cho biết về nguy cơ tuyệt chủng của các sinh vật biển bao gồm cá mập, cá voi và cá heo, cũng như những sinh vật định cư bé nhỏ như ốc sên, sò và san hô.

Các phân tích dự đoán sẽ được sử dụng để xây dựng bản đồ về nguy cơ tuyệt chủng theo xu hướng tự nhiên trên các vùng biển, sau đó cộng thêm biến đổi khí hậu và các áp lực của con người đối với môi trường đại dương như đánh bắt cá để xác định những khu vực có nguy cơ cao nhất.

Sinh vật biển hóa thạch và họ hàng còn sống của chúng – từ trên xuống dưới: cá voi, cá mập, sand dollars, ốc, sò và san hô (Nguồn: news.berkeley.edu)
Sinh vật biển hóa thạch và họ hàng còn sống của chúng – từ trên xuống dưới: cá voi, cá mập, sand dollars, ốc, sò và san hô (Nguồn: news.berkeley.edu)

Sinh vật biển đã và đang chịu nhiều tác động từ các hoạt động của con người, nhưng mức độ tổn thương còn chưa được nhận thức đầy đủ. Những phát hiện trên có thể giúp xác định các loài và khu vực có nguy cơ tuyệt chủng cao cần được ưu tiên và quan tâm đặc biệt trong công tác bảo vệ, bảo tồn và quản lý.

Nhóm nghiên cứu tin rằng mặc dù đã có thể xác định được kế hoạch bảo tồn, vẫn còn nhiều việc khác cần phải làm để chỉ ra nguyên nhân đằng sau những xu hướng tuyệt chủng và từ đó áp dụng trong quá trình xây dựng chính sách.