Chuỗi cung ứng xanh sẽ có lợi cho doanh nghiệp

ThienNhien.Net – Một số công ty lớn nhất thế giới đang có những bước tiến trong việc minh bạch hoá và tìm giải pháp để loại trừ rủi ro tồn tại tình trạng chặt phá rừng trong chuỗi cung ứng hàng hoá. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy tính bền vững trong kinh doanh và sản xuất, theo báo cáo của Dự án Minh bạch Khí hậu.

Báo cáo dựa trên phản hồi từ 162 công ty có tổng số vốn đầu tư 3.200 tỷ USD tập trung vào 4 mặt hàng chính: sản phẩm chăn nuôi gia súc, dầu cọ, gỗ, và đậu nành – nguồn gốc của 1/3 tình trạng chặt phá rừng toàn cầu.

Dự án Minh bạch Khí hậu (CDP) cho biết, mặc dù không ít công ty đã ban hànhchính sách không chặt phá rừng song cam kết này mới chỉ là bước đầu trong nỗ lực loại bỏ chặt phá rừng ra khỏi chuỗi cung ứng. Việc thực thi đòi hỏi sự hợp tác của các nhà cung cấp, các chứng chỉ và cơ chế minh bạch.

Báo cáo nhấn mạnh, ngay cả khi đã tuyên bố cam kết, nhiều công ty vẫn còn thiếu đồng bộ trong việc loại bỏ chặt phá rừng trong cả chuỗi hàng hoá và cung ứng. Ví dụ ngành sản xuất gỗ và dầu cọ đang vượt xa ngành chăn nuôi và sản xuất đậu nành trong việc đặt và thực hiện mục tiêu. Một số công ty như Wilmar, Asia pulp & paper, Cargill và Unilever đã sớm thực hiện việc “biến cam kết thành hành động”.

Phá rừng lấy gỗ sản xuất giấy tại Indonesia (Ảnh: Rhett Butler)
Phá rừng lấy gỗ sản xuất giấy tại Indonesia (Ảnh: Rhett Butler)

Kết quả khảo sát cho thấy việc thực thi cam kết này sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Dữ liệu về rừng của CDP chỉ ra rằng, gần 90% các doanh nghiệp nhận ra cơ hội đối với nguồn cung cấp bền vững cho ít nhất 1 loại hàng hoá đe doạ tới tài nguyên rừng. Chẳng hạn, Hãng British Airway đã tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng việc nâng cao nhận thức về môi trường cho khách hàng, đồng nghĩa với hành động giúp giảm thiểu chặt phá rừng. Nhờ vậy, các doanh nghiệp lảng tránh vấn đề về chặt phá rừng sẽ chịu rủi ro tụt hậu so với các đối thủ.

Theo Freddie Woolfe, Phó giám đốc Công ty Corporate Engagement of Hermes Investment Management, các công ty cần nhận thức và chuẩn bị cho những thay đổi pháp lý nhằm đối phó với các phương thức sản xuất không bền vững. Ví dụ, việc thắt chặt kiểm soát khai thác rừng trái phép hoặc đột ngột thay đổi chính sách cấp phép sẽ khiếnmột công ty đối mặt với rủi ro lớn về nguồn cung và chi phí đầu vào nếu không được chuẩn bị trước. Thêm vào đó, khi các công ty bắt buộc phải hạch toán các chi phí bên ngoài chưa được đưa vào trước đó có thể sẽ buộc phải tăng giá bán và chịu áp lực cạnh tranh nếu không có sự chuẩn bị. Cả 2 yếu tố trên đều có khả năng ảnh hưởng đến chiến lược và hoạt động kinh doanh của công ty.

Đối với các khoản đầu tư dài hạn, hậu quả biến đổi khí hậu sẽ tác động đến thị trường đầu tư một cách toàn diện và có hệ thống, từ đó dần ảnh hưởng đến giá trị của danh mục đầu tư. Chính vì thế, biến đổi khí hậu và các tác nhân gây ra biến đổi khí hậu như chặt phá rừng phải được các công ty đặt ưu tiên hàng đầu để đảm bảo quyết định đầu tư hôm nay có giá trị trong tương lai.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp ngày càng có nhận thức rõ ràng hơn về hậu quả của sản xuất không bền vững và vì vậy những sản phẩm có nguồn gốc hoặc được sản xuất theo phương pháp bền vững ngày càng trở nên ưa chuộng. Xu hướng này cũng được các nhà hoạt động phi chính phủ và truyền thông ủng hộ, khiếncác doanh nghiệp thiếu bền vững càng có nguy cơ giảm uy tín.

Nghiên cứu của CDP cũng ghi nhận một số các công ty đã từ chối cung cấp thông tin, bao gồm IKEA, Amazon.com, Archer Daniels Midland, Chopotle, Yum! Brand,cùng hầu hết các tên tuổi lớn trong ngành dầu khí và hàng không.

Nguồn: