Doanh nghiệp titan kêu cứu

ThienNhien.Net – Sau một thời gian phát triển “nóng”, những năm gần đây hoạt động khai thác khoáng sản titan gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khiến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải ngừng sản xuất hoặc chỉ duy trì sản xuất với công suất tối thiểu.

Chi phí leo dốc, tiêu thụ lao dốc

Theo phản ánh của Hiệp hội Titan Việt Nam, thời gian qua chi phí sản xuất tăng cao, lãi suất ngân hàng cao đã ảnh hưởng rất lớn tới giá thành sản phẩm, đẩy nhiều doanh nghiệp khai thác chế biến titan vào tình thế khó khăn.

Ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam cho biết, hiện nay, việc sản xuất từ khai thác, chế biến tuyển tinh cho đến chế biến sâu không đạt công suất thiết kế. “Một số đơn vị sản xuất cầm chừng ở mức tối thiểu (khoảng 20-30% công suất), đây cũng là nguyên nhân làm cho giá thành tăng cao, đặc biệt là với một số mỏ ngừng hoạt động trong thời gian dài, khi sản xuất trở lại phải đầu tư sửa chữa rất lớn, thậm chí phải đầu tư từ đầu”, ông Lịch cho biết.

Ngoài ra, thị trường tiêu thụ các sản phẩm titan cũng giảm mạnh do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Hiện tại tinh quặng Ilmenite cũng như các sản phẩm khác chế biến từ titan của Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu nhưng cũng không xuất khẩu được, trong khi tiêu thụ nội địa số lượng không lớn, vì vậy sản phẩm tồn kho ngày một tăng cao mặc dù sản lượng sản xuất đạt rất thấp so với công suất của giấy phép.

Hiện nay, ngành khai thác chế biến titan cũng đang phải đối mặt với việc giá bán (xuất khẩu) các sản phẩm chế biến từ titan ngày càng giảm mạnh từ đầu năm 2013 và hiện vẫn chưa có dấu hiệu “chạm đáy”. Các sản phẩm đều giảm từ 40-60% so với giá bán cuối năm 2012. Các sản phẩm khác như tinh quặng rutin, monazit, kể cả các sản phẩm chế biến sâu như ilmenite hoàn nguyên, zicro siêu mịn, xỉ titan các loại… cũng giảm từ 50-60%.

Theo tính toán của Hiệp hội Titan Việt Nam, năm 2013 với mỗi tấn quặng xuất khẩu, doanh nghiệp chịu lỗ tới hơn 500 ngàn đồng/tấn, sang năm 2014 con số lên tới 750 ngàn đồng/tấn, đây là nguyên nhân buộc các doanh nghiệp phải dừng hẳn hoặc giảm sản xuất. Bên cạnh những khó khăn trên, theo Hiệp hội Titan Việt Nam, hiện nay các loại thuế, phí đầu vào tăng cao cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội Titan Việt Nam, các DN khai thác titan đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Theo Hiệp hội Titan Việt Nam, các DN khai thác titan đang đứng trước nguy cơ phá sản

Doanh nghiệp “án binh bất động”, bài học trả giá?

Được biết, năm 2012, trước những khó khăn của doanh nghiệp ngành khai thác chế biến titan, Chính phủ đã cho phép 33 doanh nghiệp khai thác chế biến titan được phép xuất khẩu hơn 1,14 triệu tấn tinh quặng ilmenite tồn kho đến 2012 để thu hồi vốn, giảm tồn kho, ổn định sản xuất (trong đó có 1,06 triệu tấn là của 25 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Titan Việt Nam).

Tuy nhiên, từ đó đến nay, khó khăn vẫn chồng chất. “Một số doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp lớn đã phải dừng hẳn sản xuất kinh doanh vì giá bán giảm xuống quá nhanh, quá sâu trong khi giá thành tăng, sản xuất ngày càng lỗ. Nhiều doanh nghiệp buộc phải “án binh bất động”, dẫn đến người lao động không có việc làm, cuộc sống khó khăn. Năm 2013 sản xuất kinh doanh của 14 đơn vị trong Hiệp hội (các đơn vị này đang sở hữu 17 giấy phép còn hiệu lực) đạt 38%, năm 2014 chỉ đạt 16% công suất cho phép theo giấy phép khai thác mỏ”, ông Lê Văn Lịch cho biết.

Trước nguy cơ phá sản hoàn toàn, xác định không thể “tự cứu mình”, Hiệp hội Titan Việt Nam mới đây đã có văn bản “cầu cứu” gửi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có chính sách, giải pháp kịp thời giúp cộng đồng doanh nghiệp khai thác titan sớm thoát khỏi những khó khăn, nhanh chóng hoạt động trở lại. Theo đó, Hiệp hội Titan Việt Nam đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành tạo điều kiện có chế độ chính sách đồng bộ kịp thời để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án chế biến sâu, đặc biệt là có nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện tốt nhất để tái cấu trúc các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản titan.

Trước những đề xuất của doanh nghiệp khai thác titan, TS. Phạm Quang Tú, Trưởng nhóm Chương trình hỗ trợ liên minh vận động chính sách, tổ chức Oufam cho rằng, sở dĩ doanh nghiệp titan khó khăn như hiện nay một phần là do trong suốt một thời gian dài các doanh nghiệp khai thác titan đã làm ăn theo kiểu “ăn xổi”, bỏ qua nhiều công đoạn để phát triển bền vững cho ngành cũng như cho doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp phá sản là bài học trả giá của việc làm ăn không tính toán. Chuyên gia này cho rằng, chúng ta đang hướng đến giảm thiểu tối đa, tiến tới ngừng xuất khẩu khoáng sản thô, nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng không cao, vì thế nếu 80% doanh nghiệp titan hiện nay phá sản thì 20% doanh nghiệp còn lại vẫn sản xuất đủ để phục vụ nhu cầu.

Theo ông Tú, những doanh nghiệp còn tồn tại phải chuyển đổi công nghệ, đầu tư chế biến sâu và Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chế biến sâu. Một số doanh nghiệp cho rằng đầu tư chế biến sâu lợi nhuận không bằng, thậm chí lỗ so với múc thô lên bán, điều này chỉ đúng trong ngắn hạn nhưng không đúng trong dài hạn, vì vậy với trách nhiệm của Nhà nước, không nên đứng trên góc nhìn của một doanh nghiệp mà phải đứng trên lợi ích tổng thể của quốc gia.

“Nếu sản phẩm tiêu thụ trong nước, làm đầu vào để phát triển các ngành công nghiệp khác thì Nhà nước nên cân nhắc, định hướng chính sách hỗ trợ công nghiệp khai khoáng”, ông Tú nêu quan điểm.