Phần lớn diện tích cao su được trồng trên đất rừng khộp kém phát triển

ThienNhien.Net – Tại địa bàn huyện Ea Súp (Đắk Lắk) có hơn 3.000 ha cao su, chủ yếu trồng trên diện tích đất rừng khộp ở các xã Cư M’Lan, Ya Tờ Mốt, Ea Lê, Ia J’Lơi, Ea Bung; trong đó, diện tích cao su của các doanh nghiệp là 1.700 ha, phần còn lại là cao su tiểu điền của các hộ gia đình. Phần lớn diện tích cao su này đã hết thời gian kiến thiết cơ bản (trồng từ năm 2009), bước đầu đưa vào kinh doanh khai thác mủ nhưng hiệu quả không cao. Nhiều vườn cao su không phát triển, còi cọc, bị chết dần hoặc cho năng suất mủ kém.

Hệ sinh thái rừng khộp bị mất đi không dễ gì có thể khôi phục được (Ảnh: Báo Đắk Lắk)
Hệ sinh thái rừng khộp bị mất đi không dễ gì có thể khôi phục được (Ảnh: Báo Đắk Lắk)

Mới đây, qua kiểm tra 13 dự án trồng cao su của các doanh nghiệp cho thấy, Công ty TNHH Anh Quốc trồng 100 ha từ năm 2011 nhưng đến nay đã chết lụi. Công ty TNHH Minh Hằng có 50 ha cao su kém phát triển, vàng lá; Công ty TNHH sản xuất, xây dựng, thương mại dịch vụ Đức Tâm có trên 30 ha cao su kém phát triển, tỷ lệ chết cao…

Đối với diện tích cao su tiểu điền dù được các nông hộ đầu tư chăm sóc thích đáng nhưng nhiều vườn cây rơi vào tình trạng “không lớn nổi’. Gia đình ông Nguyễn Văn Bằng, xã Ea Lê có 3 ha cao su trồng từ năm 2009 nhưng hiện đường kính cây cao su chỉ to bằng “cán cuốc”, không thể khai thác.

Ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Lê cho biết, toàn xã hiện có hơn 500 ha cao su tiểu điền, phần lớn đều kém phát triển. Cây cao su trồng trên đất rừng khộp tại địa phương 3 năm đầu sinh trưởng, phát triển tốt nhưng đến năm thứ 4 rễ chính, rễ phụ mọc xuống gặp đá bàn cây chững lại, không phát triển hoặc chết đứng.

Theo ông Phạm Văn Thước, Chủ tịch UBND xã Cư M’Lan, trước đây đồng bào chạy theo phong trào, trồng gần 450 ha cao su tiểu điền trên đất rừng khộp, có tầng đất canh tác mỏng, bên dưới toàn đá bàn dày nên cây cao su mặc dù đã 7 năm tuổi vẫn còi cọc, không phát triển…

Trong khi đó, dù chưa tổ chức đánh giá hiệu quả việc trồng thí điểm cao su trên đất rừng khộp nhưng tỉnh Đắk Lắk vẫn tiếp tục có kế hoạch mở rộng diện tích loại cây này trên đất rừng khộp tại huyện Ea Súp từ năm 2014 đến năm 2020 lên đến 19.164 ha.

Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo, trồng cây cao su trên đất rừng khộp cần cân nhắc. Tiến sĩ Tôn Nữ Tuấn Nam (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) cho rằng, điều kiện đất đai, khí hậu vùng rừng khộp Ea Súp, Buôn Đôn khắc nghiệt, tầng đất canh tác mỏng, dễ ngập úng trong mùa mưa, lượng bốc thoát hơi nước và nhiệt độ cao trong các tháng mùa khô ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày như điều, cao su và cả cây rừng trồng. Vì vậy, phát triển cây cao su tại vùng này cần cân nhắc kỹ.

Tiến sĩ Phạm Quang Khánh, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cũng cảnh báo, rừng khộp tuy là rừng nghèo, nhưng là loại rừng quý hiếm, đặc trưng của Tây Nguyên, cần thận trọng tránh tình trạng trồng cây cao su không hiệu quả nhưng mất rừng…

Nguồn:
Quang Huy/TTXVN, 24/9/2015