Thất vọng với quyết định về thủy điện Don Sahong của Lào

ThienNhien.Net – Ngày 18/09/2015, Liên minh các dòng sông (RCC) của Campuchia cùng hơn 40 tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước và quốc tế đưa ra Tuyên bố chung thể hiện “nỗi thất vọng sâu sắc” trước quyết định phê duyệt Thỏa thuận nhượng quyền xây dựng công trình thủy điện Don Sahong của Quốc hội Lào mới đây.

Các tổ chức đã lên án việc Quốc hội Lào đưa ra quyết định phê duyệt trong bối cảnh yêu cầu từ phía các Chính phủ Campuchia, Việt Nam, Thái Lan và người dân Hạ lưu sông Mê Công cùng các tổ chức xã hội dân sự chưa hề được phản hồi hoặc thực hiện một cách có trách nhiệm theo Quy trình PNPCA (Thông báo, Tham vấn và Thỏa thuận trước) đối với Đập thủy điện Don Sahong. Điều này cũng thể hiện rằng Chính phủ Lào đã không tôn trọng tinh thần cuộc họp ngày 29/06/2015 khi 4 quốc gia thành viên MRC đã thống nhất đưa dự án thủy điện Don Sahong lên thảo luận ở cấp chính phủ trước khi đưa ra quyết định.

150922_DonSahong

Thông qua Tuyên bố chung, các tổ chức nhấn mạnh yêu cầu Chính phủ Lào lập tức dừng mọi hoạt động liên quan đến việc xây dựng đập thủy điện Don Sahong; không kí kết thêm bất cứ hợp đồng dự án nào, bao gồm cả Thỏa thuận Thiết kế, Cung ứng thiết bị vật tư và Thi công xây dựng (EPC); không thông qua Thỏa thuận mua điện cho đến khi mọi đề nghị của các bên liên quan được phản hồi. Bên cạnh đó, Chính phủ Lào cần thuê đơn vị tư vấn độc lập tiến hành Đánh giá Tác động Môi trường Xuyên biên giới có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng bị ảnh hưởng và các tổ chức xã hội dân sự. Ngoài ra, các quốc gia MRC cần thúc đẩy các thảo luận, giải pháp và thỏa thuận đối với yêu cầu của các bên liên quan và cân nhắc một cách có trách nhiệm. Cuối cùng,  các quốc gia thành viên MRC cần gây thêm các áp lực bằng mọi phương thức lên Chính phủ Lào khi chính phủ này đã đơn phương ra quyết định.

Cùng ngày, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) cũng đưa ra thông cáo báo chí đề nghị Chính phủ Lào xem xét lại quyết định xây dựng dự án Don Sahong vào cuối năm 2015 và nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động xuyên biên giới của dự án này; yêu cầu Tập đoàn MegaFirst của Malayxia phải xem xét và dừng kế hoạch đầu tư của mình vào thủy điện Don Sahong – một công trình gây nhiều tác động lớn đến môi trường, sinh thái và sinh kế người dân lưu vực hạ lưu sông Mê Công.  Đặc biệt, thông cáo cũng đề nghị Chính phủ Thái Lan, Campuchia và Việt Nam lên tiếng kêu gọi chính phủ Lào dừng tất cả các hoạt động xây dựng đập trên dòng chính Mê Công cho đến khi có báo cáo khoa học chính thức đánh giá tác động của dự án tới các nước ở hạ lưu và cần có sự đồng thuận giữa bốn quốc gia thành viên Ủy hội Mê Công quốc tế về các dự án phát triển dòng chính Mê Công.

Sau Xayaburi, Don Sahong là đập lớn thứ hai được chính phủ Lào thông qua xây dựng trên dòng chính Hạ lưu vực sông Mê Công. Trong nhiều năm qua, nhiều tổ chức trong khu vực và trên thế giới đã đưa ra những cảnh báo về tác động tiêu cực của thủy điện Don Sahong đến hệ sinh thái đa dạng và nguồn sinh kế của người dân sinh sống tại hạ lưu công trình, vùng châu thổ sông Mê Công, đặc biệt là vùng hồ Tonle Sap ở Campuchia và Đồng bằng Sông Cửu Long ở Việt Nam. Theo Trung tâm Quốc tế về Môi trường thì việc phát triển thủy điện trên dòng chính Mê Công sẽ đẩy cuộc sống của 70 triệu dân trong lưu vực lâm vào cảnh khó khăn, gây tác động tiêu cực lớn đến ngành thủy sản, nông nghiệp và hành lang đường dây tải điện (ICEM, 2010). Ngoài ra, hệ lụy của dự án thủy điện này cùng với 11 dự án thủy điện khác trên dòng chính Mê Công sẽ góp phần làm gia tăng sự mất cân bằng phát triển kinh tế – xã hội ở các nước hạ lưu sông Mê Công, đặc biệt là đối với người nghèo ở khu vực vùng nông thôn và thành thị ven sông.