Tăng thuế là cần thiết để bảo vệ tài nguyên

ThienNhien.Net – Trước những ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất tăng thuế suất thuế tài nguyên đối với một số nhóm tài nguyên, khoáng sản của Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính khẳng định rằng việc điều chỉnh là cần thiết để tránh lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên.

Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế.
Ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế.

Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ việc sửa đổi Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên thay thế cho Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong đó đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với một số nhóm tài nguyên, khoáng sản. Vì sao Bộ Tài chính lại đưa ra đề xuất này, thưa ông?

Thuế tài nguyên là một trong những công cụ tài chính, thể hiện vai trò sở hữu Nhà nước đối với tài nguyên quốc gia và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của tổ chức, cá nhân.

Trong định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Bộ Chính trị thông qua đã đưa ra giải pháp quan trọng là điều chỉnh kịp thời, hợp lý các loại thuế liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản, tăng thu ngân sách Nhà nước; đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.

Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng đã khẳng định tài nguyên cần phải được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh về tài nguyên.

Tại Nghị quyết này, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá: Trong thời gian qua, tài nguyên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững, một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, mục tiêu quản lý tài nguyên trong giai đoạn này là quy hoạch, quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên quốc gia; ngăn chặn xu hướng suy giảm tài nguyên nước ngọt…

Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương cũng yêu cầu hạn chế tối đa xuất khẩu khoáng sản và đưa ra các giải pháp bảo vệ, quản lý tài nguyên như đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách tài chính theo hướng người hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Với những căn cứ đó, việc điều chỉnh thuế tài nguyên là hết sức cần thiết.

Xin ông cho biết việc áp dụng chính sách thuế tài nguyên với khoáng sản ở các nước trong khu vực như thế nào? Việc đề xuất tăng thuế đối với các mặt hàng khoáng sản có phù hợp với thông lệ quốc tế không, thưa ông?

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đã sử dụng chính sách thuế nội địa, trong đó có thuế tài nguyên để thay thế cho thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải cắt giảm trong quá trình hội nhập quốc tế.

Ví dụ: Trung Quốc đã thực hiện cải cách chính sách thuế tài nguyên, trong đó đã thay đổi cách tính thuế tài nguyên để tăng nguồn thu ngân sách khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Indonesia đã tăng mức thuế suất thuế tài nguyên từ tháng 1-2015 khi dự kiến phải thực hiện cắt giảm thuế xuất khẩu theo cam kết quốc tế.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng khuyến nghị các nước sử dụng thuế nội địa để thực hiện các phương án cắt, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.

Ở Việt Nam, tại Điều 7 Luật thuế Tài nguyên, Quốc hội đã quy định khung thuế suất thuế tài nguyên và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên cho phù hợp từng thời kỳ.

Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đảm bảo phù hợp với danh mục, nhóm loại tài nguyên và trong phạm vi khung thuế suất do Quốc hội quy định; góp phần quản lý nhà nước đối với tài nguyên; bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên; góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước và bình ổn thị trường.

Việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên là cần thiết trong bối cảnh nước ta hiện nay nhằm góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu không khuyến khích khai thác tài nguyên không tái tạo có giá trị lớn, góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên và góp phần đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Sau khi công bố đề xuất điều chỉnh thuế tài nguyên, phản hồi của các doanh nghiệp và người dân như thế nào, thưa ông?

Vừa qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lấy ý kiến các Hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản.

Qua đó, Bộ Tài chính đã nhận được nhiều ý kiến về việc điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên, đặc biệt, một số doanh nghiệp nêu khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay do nguyên nhân giá khoáng sản trên thế giới đang giảm sâu, nhiều doanh nghiệp đang bị lỗ.

Cũng có ý kiến nêu việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên tại thời điểm hiện nay là chưa đảm bảo tính ổn định của chính sách, từ đó ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để ổn định sản xuất, dự thảo Nghị quyết cũng đã đưa ra lộ trình áp dụng mức thuế suất thuế tài nguyên mới đối với một số loại khoáng sản hiện đang gặp khó khăn trong khai thác.

Việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên vẫn đảm bảo nằm trong khung thuế suất thuế tài nguyên do Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ ngày Luật Thuế tài nguyên có hiệu lực thi hành 1-7-2010 đến nay.

Mặt khác để tránh rủi ro khi đầu tư vào lĩnh vực khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp thường đã phải tính toán kỹ lưỡng các chi phí đầu tư, sản xuất kinh doanh, trong đó có các chi phí về thuế theo mức thuế suất trần trong khung thuế suất do Quốc hội quy định.

Xin cảm ơn ông! 

Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh thuế suất 4 nhóm hàng với mức điều chỉnh dự kiến cụ thể như sau.

Nhóm khoáng sản kim loại: Sắt từ 12% lên 14%; Titan từ 16% lên 18%; Vàng từ 15% lên 17%; Wonfram, antimoan từ 18% lên 20%; Đồng từ 13% lên 15%; Mangan từ 11% lên 14%; Bạch kim, bạc, thiếc từ 10% lên 12%; Chì, kẽm từ 10% lên 15%; Đất hiếm từ 15% lên 18%… Nhôm, boxit, niken giữ nguyên thuế suất như hiện hành.

Nhóm khoáng sản không kim loại: Đá hoa trắng từ 9% lên 15%; Cát từ 11% lên 15%; Cát làm thủy tinh 13% lên 15%; Granit 10% lên 15%; Đất làm gạch 10%.

Than antraxit hầm lò và than khác 7% lên 10%; than antraxit lộ thiên và than nâu, than mỡ từ 9% lên 12%…

Nhóm sản phẩm rừng tự nhiên giảm từ mức trần xuống mức sàn với thuế suất sau khi thay đổi dao động từ 10% đến 25%. Hiện hành là 15% đến 35%.

Nhóm nước thiên nhiên: Nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp từ 8% lên 10%; Nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện từ 4% lên 5%; Nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh tăng thêm 2% đến 3% đối với các loại nước dưới đất dùng cho sản xuất.