Lượng phát thải có thể lên đến 466 triệu tấn CO2 vào năm 2020

ThienNhien.Net – Ngày 28/7, Hội nghị tổng kết Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2010-2015 do Bộ Công Thương tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục An toàn môi trường Trần Văn Lượng cho biết, tổng lượng phát thải nhà kính của Việt Nam năm 2010 là 246,8 triệu tấn CO2 tương đương. Trong đó, lĩnh vực năng lượng phát thải 141,1 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 53%. Dự báo đến năm 2020 sẽ tiếp tục tăng nhanh, với tổng lượng phát thải lên đến 466 triệu tấn CO2; trong đó, lĩnh vực năng lượng là 381,1 triệu tấn, chiếm 81%.

Một nhà máy ở Phú Thọ (Ảnh: Hoàng Chiên/ThienNhien.Net)
Một nhà máy ở Phú Thọ (Ảnh: Hoàng Chiên/ThienNhien.Net)

Hiện các quốc gia trên thế giới có xu hướng sử dụng các công cụ thị trường liên quan đến định giá việc phát thải carbon. Cụ thể, việc phát thải carbon sẽ được định giá làm cơ sở hình thành thị trường carbon nội địa ở các quốc gia, khu vực và toàn cầu. Đây chính là cơ hội nhưng cũng là rào cản kỹ thuật đối với các quốc gia chưa kịp chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ít carbon.

Theo báo cáo, với tổng số vốn hơn 32 tỷ đồng trong 5 năm, Bộ Công Thương đã triển khai 11 dự án về tuyên truyền đào tạo nhận thức, năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, 14 dự án đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đề xuất giải pháp ứng phó, cùng với đó là nhiều dự án xây dựng cơ chế, lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển ngành Công Thương… Tuy nhiên, việc thí điểm áp dụng mô hình giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp vẫn chưa được thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất cho hay, sự phối hợp thực hiện giữa các đơn vị trong ngành Công Thương vẫn chưa tốt, do vậy mới chỉ thực hiện được ở các hoạt động về nghiên cứu, đào tạo. Bộ đã xây dựng các dự án về ứng phó biến đổi khí hậu nhưng nguồn kinh phí yếu và chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể nên chưa được thực hiện.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, nguồn kinh phí cấp cho Chương trình còn hạn chế. Với 32 tỷ đồng trong 5 năm, như vậy, trung bình kinh phí cấp cho hoạt động chống biến đổi khí hậu mỗi năm chỉ khoảng 6 tỷ đồng.

Về giải pháp, ông Trần Văn Lượng cho rằng, cần huy động mọi nguồn lực từ ngân sách trung ương, địa phương và tài trợ quốc tế; lồng ghép thực hiện trong các chương trình hiện có như khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng… Đồng thời, về hợp tác quốc tế, cần tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các nước và tiếp nhận chuyển giao công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng hiệu quả…

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục rà soát kế hoạch của Bộ về chống biến đổi khí hậu, ngoài nhiệm vụ lâu dài là giảm phát thải nhà kính thì trong thời gian tới, phải tăng cường các giải pháp để chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, có cơ chế chính sách chống biến đổi khí hậu, đặc biệt xây dựng cơ chế quy hoạch cụ thể… Với nguồn kinh phí còn hạn chế, các đơn vị cần đưa ra các cơ chế, chính sách có lợi cho doanh nghiệp để khuyến khích và huy động doanh nghiệp tham gia chống biến đổi khí hậu.