Nhà máy vàng bỏ hoang, “vàng tặc” lộng hành

ThienNhien.Net – Gần 1 năm qua, sau khi các Công ty khai thác vàng tại khu vực mỏ vàng Tam Chinh (thôn Dốc Kiền, xã Ba, H. Đông Giang, Quảng Nam) bị bỏ hoang, nhiều đơn vị, cá nhân trong và ngoài địa phương đổ xô đến khu vực này khai thác vàng khiến tình hình trở nên phức tạp, tiềm ẩn những hiểm nguy rình rập…

Phía trên là dây chuyền sản xuất của Cty bị bỏ hoang phế, phía dưới hàng chục người cặm cụi tìm vàng. 
Phía trên là dây chuyền sản xuất của Công ty bị bỏ hoang phế, phía dưới hàng chục người cặm cụi tìm vàng

Tan hoang nhà máy chục tỷ đồng

Mỏ vàng Tam Chinh trước đây do Công ty TNHH Đạt Phát (TP Đà Nẵng) được phép khai thác trên diện tích 13ha, giáp ranh với khu vực Bà Nà – Núi Chúa (Hòa Vang, Đà Nẵng) bao gồm ba khu A, B và C. Để khai thác vàng nơi đây, Công ty Đạt Phát và các đối tác liên doanh đã đầu tư hệ thống thiết bị dây chuyền máy móc hiện đại lên đến hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng gần 1 năm nay, hệ thống dây chuyền máy móc ngưng hoạt động, bị bỏ hoang phế giữa trời.

Lý giải cho vấn đề trên, ông Giang, người quản lý khu vực mỏ vàng của Công ty cho biết: Trước đây sản lượng vàng Công ty làm ra rất được. Nhưng từ khi đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hệ thống dây chuyền mới, tình trạng ô nhiễm xảy ra nên Công ty cho dây chuyền ngưng hoạt động. Mặt dù đến tháng 8 năm nay, Công ty mới hết phép. Gần 1 năm nay, lợi dụng sự buông lỏng quản lý của Công ty, người dân địa phương và khắp nơi đổ xô vào khai thác trái phép. “Để quản lý và bảo vệ tài sản của Công ty, ngoài tôi ra còn có 3 bảo vệ. Nhưng chúng tôi chỉ có thể bảo vệ tài sản, còn người dân vào khu vực của Công ty khai thác vàng thì không thể ngăn cản được, có thời điểm khoảng vài trăm người” – ông Giang cho biết thêm.

Lúc chúng tôi đến, tại khu A có gần 20 người dân địa phương cặm cụi đào bới. Bên cạnh đó, một máy Đông Phong hoạt động hết công suất để hút nước lên tạo thành vòi rồng phun vào chân núi. Sau đó đất, đá, sỏi được hút lên một chiếc máng để lọc đãi lấy quặng vàng. Nơi đây, những quả đồi đang bị san bằng, những hầm hố sâu hóm có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào… Phía trên họ đang làm một đoạn là cả hệ thống dây chuyền máy móc của Công ty đã bị bỏ hoang phế, gỉ mục. Mặc dù thấy chúng tôi ghi hình, thế nhưng những người làm vàng trái phép này vẫn bình thản với công việc của mình.

Đang cặm cụi tìm nhặt những hòn đá có màu sắc “khác thường”, chị H. nhà ở thôn Dốc Kiền cho biết: Thấy người ta vào làm mình cũng vào làm theo. Làm năm ba ngày dồn lại mới thuê máy xay một lần. Mỗi lần xay xong được khoảng 1 triệu đồng, nhưng trừ tiền thuê máy ra thì tiền công còn lại chỉ tầm 80 đến 150 nghìn đồng/ ngày thôi. “Máy nổ kia là do nhóm thanh niên đó chung lại để làm, còn trẻ em, đàn bà như chúng tôi chỉ đi mót lại của họ rồi để dồn lại vài ngày mới xay. Làm thu nhập cũng không được bao nhiêu nhưng ở nhà thì không biết làm chi”- chị H. cho biết thêm.

Được biết, trước đây khu A là khu nhà máy. Nơi đây nhận quặng từ khu B và khu C đưa đến để xây tuyển vàng. Do vậy trên thực tế, khu B và C mới là những khu vực hầm mỏ đang thu hút dân đào đãi vàng tìm đến. Rời vị trí khu A, theo lời chỉ dẫn của ông Giang, chúng tôi đi bộ vào khu B và C. Sau gần nửa giờ lội bộ, trước mắt là hàng chục lều trại với những chiếc máy xay đang nổ ầm ỉ, xe máy để ngổn ngang. Thế nhưng đúng như lời ông Giang nói, cả khu vực lúc này chẳng thấy bóng dáng ai. Mọi người lúc này đều đã chui hết xuống hầm…

Người dân dùng vòi rồng phun vào núi để tìm vàng.
Người dân dùng vòi rồng phun vào núi để tìm vàng

Không kiểm soát nổi?

Qua tiếp xúc, ông Giang cho biết: Từ cuối năm 2014, sau trận bão thì lều bạt của các nhà xưởng Công ty bị bay hết. Do không có điều kiện nên Công ty không làm lại mà bỏ mặc đến bây giờ. Sau đó người dân địa phương thấy Công ty hoang phế nên bắt đầu xâm nhập vào làm trái phép. Tiếp đến từng nhóm người ở khắp nơi như Hòa Vang, Phước Sơn, Tam Kỳ… cũng dẫn quân vào làm.

“Tại sao khu vực mỏ thuộc Công ty mình quản lý nhưng lại để cho những nhóm người trên ngang nhiên vào làm, phải chăng để họ làm rồi chia phần trăm lại cho mình?”- chúng tôi hỏi. Ông Giang cho rằng chỉ người của Công ty thì không kiểm soát, ngăn chặn nổi, còn chính quyền địa phương thì lâu lâu mới xuống một lần nhưng việc đâu lại vào đấy. Còn việc cho vào làm Công ty được hưởng phần trăm không thì ông không biết, đó là thẩm quyền của “mấy sếp”. “Hướng của Công ty là sẽ tiếp tục sản xuất, nhưng hiện tại người dân vào làm ào ạc nên chưa biết xử lý thế nào”- ông Giang cho biết thêm.

Trước thực trạng người dân tứ xứ đổ xô về đây làm vàng tìm ẩn những nguy cơ mất ANTT, tai nạn và gây ô nhiễm môi trường, trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Ba cho rằng: Người dân làm vàng ở đó trong phạm vi quản lý của Công ty, Công ty quản lý nên phải có trách nhiệm. Chính quyền chỉ hỗ trợ về góc độ chuyên môn khi nào phía Công ty có yêu cầu. Đến ngày 1-8 tới Công ty này mới hết hạn, lúc đó chính quyền mới có hướng giải quyết.

Thiết nghĩ trước sự việc trên, các ngành chức năng cần phối hợp kiểm tra, ngăn chặn vấn nạn trên chứ không chỉ “đá quả bóng trách nhiệm”, qua đó nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, đồng thời bảo đảm được nguồn tài nguyên không bị thất thoát.

Bão Bình

Quảng Ngãi phá hủy 36 hầm địa đạo của “vàng tặc”

Chiều 19-7, lực lượng Công an và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã bắt đầu tiến hành đánh sập các hầm khai thác vàng trái phép (tại đồi Cà Nhút, thôn Trà Ong, xã Trà Quân, H. Tây Trà). Đây được xem là một trong địa điểm khai thác vàng trái phép có quy mô lớn và nóng nhất ở Quảng Ngãi trong thời gian qua.

Lợi dụng địa bàn đồi núi hiểm trở, xa khu dân cư nên “vàng tặc” đã đào các đường hầm để khai thác vàng trái phép, mặc dù các cơ quan chức năng của H. Tây Trà đã nhiều lần truy quét và xử phạt hành chính nhưng khi lực lượng chức năng về, các “vàng tặc” lại tiếp tục quay lại hoạt động. Theo lực lượng chức năng thì hiện tại khu vực này “vàng tặc” đã đào khoảng 26 hầm vàng lớn nhỏ khác nhau.

Trong đó hầm có chiều dài nhất trên 30m, với số lượng tham gia khai thác lúc Công ano điểm lên đến hàng trăm người. Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Công an và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh… đã phối hợp thực hiện nổ mìn phá hủy các hầm khai thác vàng trái phép tại H. Tây Trà. Với 1,1 tấn thuốc nổ sử dụng lực lượng chức năng đã đánh sập 36 hầm khai thác vàng trái phép, gồm 26 hầm ở xã Trà Quân và 10 hầm ở xã Trà Thanh, H. Tây Trà.

Đường vào nơi địa đạo của "vàng tặc". 
Đường vào nơi địa đạo của “vàng tặc”

230715_vangtac5

Lực lượng chức năng đặt thuốc nổ tại các vị trí phía trong và trên hầm.
Lực lượng chức năng đặt thuốc nổ tại các vị trí phía trong và trên hầm

Xuân Đương