Hợp tác xã kiểu mới vùng ĐBSCL: Tập trung 3 sản phẩm chủ lực

ThienNhien.Net – Đề án thí điểm hợp tác xã, liên hợp tác xã kiểu mới Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần tập trung vào 3 sản phẩm chủ lực của vùng và cũng là sản phẩm chủ lực của quốc gia là lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản.

Khu vực ĐBSCL là vùng kinh tế nông nghiệp rất phát triển, đã và đang hình thành các vùng sản xuất chuyên canh về lúa, trái cây và thủy sản.

Tuy nhiên, phần lớn cuộc sống của người dân trong khu vực vẫn còn nghèo, thu nhập không ổn định; quy mô sản xuất hàng hóa còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát cao; sự phối hợp, hướng dẫn chung về định hướng và quy hoạch sản xuất cho từng vùng, loại sản phẩm chưa phổ biến; sản xuất nhiều khi không thích ứng nhu cầu thị trường;…

Để phát triển nông nghiệp bền vững và có hiệu quả, cần thiết phải phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trên cơ sở hoàn thiện, nhân rộng mô hình thí điểm hợp tác xã kiểu mới tại vùng ĐBSCL.

Ảnh minh họa: Lao Động
Ảnh minh họa: Lao Động

Mô hình hợp tác xã kiểu mới là một giải pháp cơ bản, lâu dài, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân; giúp hộ nông dân khắc phục được một cách cơ bản thua thiệt trên thị trường, gia tăng lợi ích cho số đông nông dân thông qua liên kết một cách hữu cơ chuỗi giá trị sản xuất nông sản và sức mạnh tập thể thành viên, từ đó giúp cải thiện đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao tinh thần hợp tác của cộng đồng lớn thành viên nông dân và dân cư địa phương.

Tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đề án xây dựng mô hình thí điểm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kiểu mới vùng ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ lưu ý phạm vi của Đề án cần tập trung vào 3 sản phẩm chủ lực của vùng và cũng là sản phẩm chủ lực của quốc gia là lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản.

Bên cạnh đó, cần đánh giá sâu sắc thực trạng mô hình hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản của vùng ĐBSCL để thấy rõ sự cần thiết của Đề án; lựa chọn một số mô hình hiệu quả đã thành công (nêu rõ thành công, hạn chế, nguyên nhân ra được mô hình và bài học kinh nghiệm). Đồng thời, xác định rõ việc nhân rộng của mô hình thí điểm hợp tác xã kiểu mới nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, theo đúng bản chất các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại vùng ĐBSCL; ưu tiên lựa chọn hợp tác xã hiện có để củng cố, hoàn thiện thành các điển hình để nhân rộng kết hợp một cách hợp lý với việc thành lập mới hợp tác xã kiểu mới.

Về giải pháp thực hiện, Thủ tướng yêu cầu cần đề xuất những chính sách cụ thể và biện pháp tổ chức thực hiện để có thể nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng ĐBSCL cho có hiệu quả.