Xuất khẩu sắn đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc

ThienNhien.Net – Trái ngược với tình trạng “ảm đạm” của nhiều mặt hàng nông sản, thời gian qua, xuất khẩu sắn thu về những “trái ngọt” khi kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay liên tục tăng, dự kiến giá trị xuất khẩu sắn cả năm sẽ đạt khoảng trên 1,3 tỷ USD với khối lượng khoảng 4 triệu tấn, bao gồm cả sắn lát và sắn bột.

Nửa cuối năm, xuất khẩu sắn khá khả quan nhưng lượng sắn lát xuất khẩu sẽ giảm (Ảnh: Đảng cộng sản Việt Nam)
Nửa cuối năm, xuất khẩu sắn khá khả quan nhưng lượng sắn lát xuất khẩu sẽ giảm (Ảnh: Đảng cộng sản Việt Nam)

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 2,83 triệu tấn với giá trị 844 triệu USD, tăng 50,5% về khối lượng và  tăng 42,6% về giá trị so  với cùng   kỳ năm 2014.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan bên lề buổi tọa đàm “Phát triển sắn và bảo vệ rừng ở Việt Nam thực trạng và ý nghĩa về chính sách” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết: Xuất khẩu nửa đầu năm tương đối thuận lợi và vẫn chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc với khoảng 85%. Thị trường Trung Quốc khá ổn định và còn có xu hướng gia tăng nhập khẩu trong thời gian tới.

Ông Tiến nhận định: Dự kiến, giá trị xuất khẩu sắn cả năm sẽ đạt khoảng trên 1,3 tỷ USD với khối lượng khoảng 4 triệu tấn, bao gồm cả sắn lát và sắn bột. Thị trường chính của sản phẩm sắn Việt Nam vẫn là Trung Quốc. Tuy nhiên, trong cơ cấu xuất khẩu sẽ có sự thay đổi theo hướng giảm lượng sắn lát xuất khẩu do chính sách tăng thuế xuất khẩu sắn lát của Nhà nước.

Cụ thể, từ ngày 20-6, thuế xuất khẩu đối với mặt hàng sắn lát được điều chỉnh tăng từ 0% lên 5%. Việc tăng thuế xuất khẩu sắn lát đã được Bộ Tài chính cân nhắc từ đầu tháng 3-2015 dựa trên những kiến nghị của Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam nhằm hỗ trợ, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất cồn ethanol – nguyên liệu chính để pha chế xăng sinh học (E5, E10).

Nhìn nhận việc quá phụ thuộc vào thị trường “dễ tính” nhưng bấp bênh là Trung Quốc là một trong những điểm yếu lớn của ngành sắn Việt, ông Tiến cho biết về lâu dài sẽ nỗ lực cùng các doanh nghiệp kiếm tìm và thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác, trong đó Nhật Bản, EU… là các thị trường đang được nhắm tới.

Ông Tiến cho biết,  tháng 10 tới, hiệp hội sẽ phối hợp cùng Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại cho sản phẩm sắn Việt Nam, trong đó có mời đại diện Tham tán thương mại của nhiều quốc gia quan tâm tới sản phẩm sắn, đặc biệt là tại các thị trường tiềm năng có thể thúc đẩy xuất khẩu.

Là một trong số ít những mặt hàng nông sản xuất khẩu tỷ USD, tuy nhiên dường như ngành sắn khá “thiệt thòi” khi đến nay, ngành sắn chưa có quy hoạch như một số ngành khác như cà phê, cao su, lúa gạo…

“Muốn đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành này, điều quan trọng là vai trò của cây sắn phải được khẳng định hơn nữa, coi cây sắn như một cây trồng chiến lược mang tầm quốc gia để đầu tư, quan tâm đúng mức”, ông Tiến nhấn mạnh.

Đề cập tới vấn đề này, tại hội nghị Phát triển ngành sắn bền vững diễn ra cuối tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định: Sắn không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây trồng có thể tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp Việt Nam.

Trên cơ sở đánh giá hiện nay phát triển cây sắn còn manh mún, rời rạc, Bộ trưởng giao cho các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách liên kết xây dựng mô hình cánh đồng lớn đối với cây sắn.