Áp lực cạnh tranh lớn từ RCEP

ThienNhien.Net – Là một Hiệp định chất lượng cao hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN với 6 đối tác bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Newzeland và Ấn Độ, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) không chỉ mang tới cơ hội mà còn là áp lực cạnh tranh không nhỏ cho các doanh nghiệp do cơ cấu xuất khẩu tương đồng giữa Việt Nam và các đối tác trong khu vực.

Dịch vụ phân phối là một trong những ngành chịu áp lực cạnh tranh lớn từ RCEP (Ảnh: Nguyễn Huế)
Dịch vụ phân phối là một trong những ngành chịu áp lực cạnh tranh lớn từ RCEP (Ảnh: Nguyễn Huế)

Tại hội thảo Công bố báo cáo Đánh giá tác động của RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam diễn ra mới đây, ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế Trung ương nhận định, mặc dù Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao đối với một số mặt hàng như thủy sản và công nghiệp, tuy nhiên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm thô hoặc có hàm lượng chế biến thấp, chất lượng chưa cao. Bên cạnh đó, lợi thế cạnh tranh của nhiều mặt hàng đang có xu hướng giảm, điển hình như ngành giày dép cũng là thách thức cho các doanh nghiệp khi đẩy mạnh xuất khẩu.

Bên cạnh những khó khăn từ nội tại, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam rất tương đồng với ASEAN, Trung Quốc, mức độ tương đồng xuất khẩu với Ấn Độ và Hàn Quốc cũng ngày càng tăng tạo ra áp lực cạnh tranh  cho các doanh nghiệp. Về nhập khẩu, hàng hóa từ các nước đối tác hầu như đáp ứng rất tốt nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam trừ Úc và New Zealand cũng phần nào cho thấy sự phụ thuộc lớn của Việt Nam vào nhập khẩu từ bên ngoài.

Bên cạnh ngành công nghiệp, dịch vụ cũng được đánh giá là ngành sẽ chịu tác động lớn từ RCEP. Trong khi lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và dịch vụ truyền thông kì vọng sẽ có cơ hội tăng xuất khẩu tại các nước RCEP, đặc biệt là các nước ASEAN và Nhật Bản thì cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ chuyên nghiệp tới các nước RCEP lại hạn chế. Thay vào đó, áp lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp tại thị trường trong nước sẽ tăng lên đáng kể, đặc biệt là khi các Hiệp định công nhận lẫn nhau trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực. Điển hình, dịch vụ ngân hàng sẽ có khả năng phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các nước RCEP, đặc biệt là Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Không chỉ chịu áp lực cạnh tranh tại thị trường nước ngoài, sức ép cạnh tranh tại thị trường nội địa cũng sẽ tăng lên đáng kể, trong đó dịch vụ viễn thông cạnh tranh có thể gia tăng từ Ấn Độ. Dịch vụ phân phối sẽ chịu sức ép cạnh tranh hơn từ những nhà bán lẻ hiện hữu trên thị trường thông qua mở rộng kinh doanh trong điều kiện Việt Nam cởi mở hơn trong các quy định kiểm tra về nhu cầu kinh tế (ENT) và từ các nhà bán lẻ mới từ Nhật Bản, Hàn Quốc và có thể cả Thái Lan.

Theo nhận định của ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế trung ương, về tổng thể, lợi ích của Việt Nam sẽ gia tăng cùng với tốc độ và quy mô hội nhập sâu rộng trong khu vực. Tuy nhiên lợi ích của Việt Nam sẽ còn phụ thuộc vào các cam kết trong đó hàng hóa của các đối tác RCEP có thể sẽ cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam ở các thị trường khác.

Theo ông Võ Trí Thành, RCEP cũng là một Hiệp định thương mại tự do cho nên sự chuẩn bị của doanh nghiệp cũng thực hiện theo các nguyên tắc nhằm đáp ứng quá trình hội nhập nói chung và các Hiệp định thương mại tự do nói riêng bao gồm các hiểu biết thông tin để tiếp cận và đón nhận thị trường; hiểu biết các quy định không chỉ là thuế quan mà còn là các hàng rào khác liên quan đến hàng rào kĩ thuật; đòi hỏi về giám sát; đòi hỏi hài hòa hóa các tiêu chuẩn về kĩ thuật và cách thức xử lí tranh chấp để khi cần có thể bảo vệ quyền lợi của mình.

Bên cạnh đó, RCEP có một số điểm riêng mà doanh nghiệp nên lưu ý. Theo đó, RCEP bao gồm ASEAN và 6 nước ở khu vực Đông Á. Đây không chỉ là khu vực năng động mà còn là khu vực có mảng sản xuất tạo ra tính kết nối và liên kết sản xuất mạnh. Do vậy, việc bỏ rào cản sẽ là điều kiện để doanh nghiệp tham gia vào mảng liên kết  cao do vậy không chỉ thuần túy là xuất khẩu hay nhập khẩu một mặt hàng cụ thể nào đó mà còn xuất khẩu các mặt hàng trung gian để góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu cuối cùng trong chuỗi liên kết trong khu vực.

Ngoài ra, RCEP cũng là khu vực có tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy mạnh mẽ cho nên cùng với phát triển kinh tế, cùng với thương mại đầu tư, các lĩnh vực thương mại, phân phối, bán lẻ, du lịch, giải trí… cũng sẽ có cơ hội phát triển rất mạnh.