Cải tạo, phục hồi môi trường khi khai thác khoáng sản

ThienNhien.Net – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 38/2015/TT-BTNMT về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Trồng cây cải tạo môi trường tại nơi khai thác than
Trồng cây cải tạo môi trường tại nơi khai thác than

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường cũng như công tác cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản đã có những chuyển biến tích cực trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác này cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định hồ sơ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; tính toán, xác định số tiền ký quỹ; công tác quản lý bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 38/2015/TT-BTNMT về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản để giải quyết nhứng khó khăn, vướng mắc trên.

Thông tư này hướng dẫn thực hiện quy định về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 và Điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP (gồm: Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản; tổ chức, cá nhân đã có giấy phép khai thác khoáng sản và phương án được phê duyệt nhưng thay đổi diện tích, độ sâu, công suất khai thác khoáng sản) khi có phương án cải tạo, phục hồi môi trường (gọi tắt là phương án) hoặc phương án bổ sung và báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc cùng một cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì lập phương án hoặc phương án bổ sung theo mẫu quy định. Sau đó, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện cho cơ quan quy định để tiếp nhận và thẩm định.

Hội đồng thẩm định sẽ được thành lập để thẩm định cho từng phương án, phương án bổ sung. Hội đồng thẩm định có trách nhiệm tư vấn cho cơ quan thẩm định, phê duyệt phương án, phương án bổ sung; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan thẩm định, phê duyệt về kết quả thẩm định. Hội đồng thẩm định làm việc theo nguyên tắc thảo luận công khai và kết luận theo đa số.

Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường

Thông tư cũng quy định, tổng số tiền ký quỹ (chưa bao gồm yếu tố trượt giá) bằng tổng kinh phí của các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường.

Tổ chức, cá nhân nộp số tiền ký quỹ hàng năm phải tính đến yếu tố trượt giá và được xác định bằng số tiền ký quỹ hàng năm nhân với chỉ số giá tiêu dùng của các năm trước đó tính từ thời điểm phương án, phương án bổ sung được phê duyệt. Chỉ số giá tiêu dùng hàng năm áp dụng theo công bố của Tổng cục Thống kê cho địa phương nơi khai thác khoáng sản hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Việc hoàn trả tiền đã ký quỹ được thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 8 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP. Các khoản tiền đã ký quỹ không liên quan trực tiếp đến kinh phí thực hiện các công trình cải tạo, phục hồi môi trường được hoàn trả 1 lần sau khi xác nhận hoàn thành toàn bộ phương án, phương án bổ sung.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy xác nhận hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường, nơi nhận tiền ký quỹ hoàn trả tiền ký quỹ cho tổ chức, cá nhân.

Việc hoàn trả khoản tiền ký quỹ đối với tổ chức, cá nhân trả lại hoặc bị thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản được thực hiện sau khi có quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/8/2015.

Từ năm 2008 đến cuối năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt 114 Đề án cải tạo, phục hồi môi trường với tổng số tiền phê duyệt ký quỹ trên 1.720 tỷ đồng; trên cả nước có trên 2.900 Dự án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt với tổng số tiền ký quỹ trên 2.000 tỷ đồng; đã có 39/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Quỹ bảo vệ môi trường địa phương để tiếp nhận và hoàn trả tiền ký quỹ; Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã tiếp nhận tiền ký quỹ của 159 đơn vị, với tổng số tiền trên 97 tỷ đồng và đã hoàn trả cho các đơn vị với số tiền trên 5 tỷ đồng. Nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường cũng như công tác cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản đã có những chuyển biến tích cực trong những năm vừa qua.