Đắp chiếu hàng loạt công trình cấp nước sinh hoạt

ThienNhien.Net – Chỉ sau thời gian ngắn đưa vào hoạt động, hàng loạt công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (CNTT) ở 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đã hư hỏng, xuống cấp hoặc ngừng hoạt động. Hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư nhưng hàng trăm ngàn hộ dân vẫn phải sống trong cảnh thiếu nước hoặc sử dụng nước không hợp vệ sinh.

Công trình cấp nước tập trung tại buôn Tia (xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) bị bỏ hoang nhiều năm nay. (Ảnh: Lê Phước)
Công trình cấp nước tập trung tại buôn Tia (xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) bị bỏ hoang nhiều năm nay (Ảnh: Lê Phước)

Lãng phí tiền tỷ

Tại địa bàn xã Dliê Yang (huyện Ea H’leo, Đắk Lắk), các buôn Kha, Sek, Tia, Chóa và Rài đều được Liên đoàn Địa chất – Thủy văn miền Trung xây dựng một công trình CNTT với tổng kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Những tưởng sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giúp 717 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây không còn phải đi lấy nước sông, nước suối về dùng. Thế nhưng, 4 năm qua các công trình đã ngừng hoạt động do không có người trông coi nên một số giếng khoan đã xuống cấp, mất vật tư, hỏng máy bơm, ống dẫn… Trong khi đó, người dân cũng như ban tự quản các buôn chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý và sử dụng nguồn nước. Nhiều hộ muốn có nước sạch dùng nhưng không nộp tiền điện để bơm nước hàng ngày. Một số máy bơm bị cháy, hỏng người dân không góp tiền sửa chữa.

Ngay tại địa bàn TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), nhiều công trình CNTT ở các xã Hòa Xuân, Hòa Phú, Hòa Khánh… cũng đã ngừng hoạt động suốt nhiều năm. Từ năm 2003 – 2005, xã Hòa Xuân đã được Chính phủ Đan Mạch tài trợ xây dựng 7 công trình với tổng số vốn 2,696 tỷ đồng, dự kiến phục vụ nước sinh hoạt đảm bảo chất lượng cho 1.153 hộ dân. Nhưng đến nay có 4 công trình đã ngưng hoạt động, 3 công trình còn lại hoạt động kém hiệu quả và chỉ cấp nước được cho 188 hộ dân. Ông Võ Hồng Hải – cán bộ nông nghiệp xã Hòa Xuân, cho biết: “Các công trình này thường xuyên hư hỏng, giá điện lại tăng trong khi giá nước không tăng nên thu không đủ bù chi. Vì thế, khi máy bơm của công trình hư hỏng, không có tiền sửa chữa đành phải đóng cửa”.

Theo Trung tâm nước sinh hoạt và môi trường nông thôn tỉnh Đắk Lắk, các CNTT hư hỏng không còn hoạt động nhiều nhất ở các huyện Ea Súp, Krông Năng, Buôn Đôn, Cư M’Gar, Krông Pắk, Krông Bông. Điển hình như công trình cấp nước tập trung ở xã vùng sâu Ea Rốk (huyện Ea Súp) có tổng vốn đầu tư trên 7 tỷ đồng được khởi công xây dựng từ năm 2008, hoàn thành cuối năm 2009. Thế nhưng, sau khi cắt băng khánh thành cũng là lúc công trình “đắp chiếu”, hàng trăm hộ gia đình đồng bào các dân tộc không có nước sạch sinh hoạt từ đó đến nay. Còn tại huyện M’Đrắk, 2 công trình cấp nước tập trung Ea M’Lai và Buôn Trang đã ngừng hoạt động từ năm 2006, tức là sau khi khánh thành được 3 tháng.

Công trình cấp nước thôn 2 và thôn 4 (xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) hư hỏng không hoạt động được. (Ảnh: Lê Phước)
Công trình cấp nước thôn 2 và thôn 4 (xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) hư hỏng không hoạt động được. (Ảnh: Lê Phước)

Đầu tư tràn lan

Theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 107 công trình CNTT, với tổng vốn đầu tư hơn 345 tỷ đồng và công suất thiết kế đáp ứng cho 34.000 hộ dân với khoảng 170.000 nhân khẩu. Nhưng hiện chỉ có 25 công trình đem lại hiệu quả, 22 công trình hoạt động trung bình, 18 công trình kém hiệu quả và 42 công trình đã ngưng hoạt động.

Còn theo Sở NN&PTNT Đắk Nông, trong tổng số 230 công trình CNTT tại tỉnh, có đến 127 công trình hư hỏng, ngừng hoạt động. Do hàng loạt công trình xuống cấp nên tỷ lệ hộ dân nông thôn ở Đắk Nông sử dụng nước hợp vệ sinh chỉ đạt 78,12%, còn tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế chỉ đạt 49%…

Ông Phạm Phú Bổn – Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và môi trường nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, nguyên nhân hàng trăm công trình CNTT sau khi hoàn thành không phát huy hiệu quả là do đầu tư tràn lan, thiếu đồng bộ, thiếu đội ngũ cán bộ quản lý và vận hành. Các địa phương thường giao trách nhiệm vận hành công trình cho những người không có chuyên môn, không đề ra được quy chế hoạt động cụ thể, không xây dựng được nguồn kinh phí bảo dưỡng công trình thường xuyên. Nhiều công trình đã hoàn thành nhưng chưa thể đưa vào sử dụng vì thiếu điện, thiếu nước, chất lượng nước không bảo đảm hoặc phải chờ đợi vì chưa có ban quản lý, vận hành công trình.

“Thêm vào đó, nhận thức của một số người dân về vấn đề nước sạch còn hạn chế nên không đóng góp xây dựng, duy tu công trình mà trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc tự ý cắt ống lấy nước sử dụng không qua đồng hồ, dùng nước nhưng không trả tiền…” – ông Bổn nói.