“Thung lũng bùn” ở Sơn Dương (Tuyên Quang)

ThienNhien.Net – Nhiều năm nay, nhiều hộ dân ở xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang phải sống chung với bùn lầy, mất ruộng canh tác vì mỏ quặng barite được khai thác tràn lan, vô tội vạ ở nơi đây.

Từ thông tin phản ánh qua đường dây nóng, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trực tiếp tìm đến mỏ quặng ở khu vực hang Hờm. Sau khi lội bộ qua con đường hơn 1km bị cày nát bởi xe bánh xích, xe tải, chúng tôi đã đến khu vực thôn Đồng Bèn 2. Đập vào mắt chúng tôi là khu vực thung lũng ngổn ngang, những quả đồi bị xẻ nham nhở và những hố sâu hun hút. Cả một vùng cánh đồng rộng lớn giờ đây trở thành một hồ bùn khổng lồ, loang lổ. Một chi tiết thật lạ, ngay khi chúng tôi có mặt, cả công trường đang rộn rã tiếng máy bỗng im bặt, nhiều công nhân đang làm việc đều bỏ về lán.

Chị Khổng Thị Huê, một người dân ở thôn Đồng Bèn bức xúc cho biết: “Mỏ quặng này do Công ty Cổ phần Hòa An khai thác đã mấy năm nay. Họ thuê ruộng của các hộ dân chúng tôi với giá 5 triệu đồng/sào và hứa là sau 2 năm sẽ hoàn trả đất, nhưng họ chỉ trả tiền một năm và đến nay đã làm 4 năm mà công ty không trả ruộng, cũng không chịu đền bù thêm với lý do làm ăn thua lỗ. Hiện thôn Đồng Bèn 2 có khoảng 20 hộ gia đình bị mất ruộng canh tác. Nhiều hộ dân đã làm đơn đòi đất gửi chính quyền nhưng chưa được giải quyết. Trong khi đó, số ruộng bị mượn đều bị đào sâu tới hàng chục mét, hiện đều không thể canh tác.

Cả khu vực cánh đồng Đồng Bèn trở thành thung lũng bùn do khai thác quặng trái phép. (Ảnh: Minh Đức)
Cả khu vực cánh đồng Đồng Bèn trở thành thung lũng bùn do khai thác quặng trái phép. (Ảnh: Minh Đức)

Mỗi ngày khu vực lòng chảo Đồng Bèn có khoảng 5-7 chiếc máy múc thi nhau đào bới để lấy quặng. Theo người dân, mặc dù giấy phép khai thác được cấp trước đó chỉ cho phép khai thác bằng hình thức sàng tuyển, nhưng đơn vị khai thác sử dụng hình thức khai thác tuyển rửa nên đã tàn phá môi trường một cách nghiêm trọng. Cánh đồng nay trở thành hồ chứa bùn khổng lồ với diện tích hàng nghìn mét vuông, nhưng hệ thống bờ bao rất sơ sài. Sau mỗi trận mưa, đất bùn quặng chảy tràn ra đồng ruộng, ao hồ của người dân. Ông Triệu Văn Lộc, thôn Đồng Bèn 2 có  hơn một sào ruộng đã bị bùn quặng tràn lấp, nay phải bỏ hoang. Nhiều ao cá cũng đỏ ngầu bùn đất, cá nuôi chết hết, người dân không thể nuôi cá và dùng nước sinh hoạt hay chăn nuôi.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Trần Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Thượng Ấm cho biết: Giấy phép khai thác khoáng sản số 07/GP-UBND của UBND tỉnh Tuyên Quang cho phép Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hòa An khai thác quặng barite bằng phương pháp lộ thiên tại điểm mỏ xã Thượng Ấm; thời hạn khai thác đến ngày 11-4-2015. Còn Giấy phép khai thác khoáng sản số 11/GP-UBND của UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép khai thác cho Công ty Cổ phần Xi măng Tuyên Quang, thời hạn khai thác đến ngày 18-4-2015. Ngay sau khi các giấy phép khai thác trên hết hạn, UBND xã Thượng Ấm đã mời các đơn vị khai thác khoáng sản đến làm việc và ký Biên bản làm việc, “nghiêm cấm các đơn vị khai thác bằng bất cứ hình thức nào”. Khi giấy phép hết hạn, chúng tôi đã mời các đơn vị khai thác đến làm việc và ký cam kết không được khai thác bằng bất cứ hình thức nào”.

Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp vẫn xé rào khai thác. Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, lãnh đạo Công ty Hòa An bao biện rằng chỉ tranh thủ khai thác “quặng rơi vãi”. Còn  ông Trần Xuân Trường thì khẳng định, sẽ tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện các đơn vị cố tình khai thác thì sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Nói vậy, nhưng vẫn theo thông tin ông Trần Xuân Trường cung cấp, nhiều năm nay, năm nào cơ quan chức năng và UBND xã Thượng Ấm cũng phạt hành chính Công ty Hòa An để rồi việc khai thác vẫn cứ tái diễn các sai phạm như: Không thực hiện đúng với bản cam kết bảo vệ môi trường, biên bản đăng ký thiết bị sử dụng, thiết kế mỏ được phê duyệt… Ngang ngược hơn, khi trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Công ty Hòa An còn cho biết không quan tâm hay có trách nhiệm bồi thường, trả tiền thuê đất, hoàn nguyên môi trường, trả ruộng cho dân.

Thiết nghĩ, việc buông lỏng quản lý, để doanh nghiệp tư nhân tùy tiện khai thác quặng trái phép đã và đang để lại những hậu quả khôn lường. Chính quyền địa phương cần vào cuộc kiên quyết, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, bồi thường, hoàn nguyên môi trường, trả lại ruộng canh tác cho nhân dân.