Sắt Thạch Khê chây ì hơn 200 tỷ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

ThienNhien.Net – Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, “mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á” của Công ty cổ phần sắt Thạch Khê còn nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mỏ sắt Thạch Khê với số tiền là hơn 201 tỷ đồng.

Mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh: Internet
Mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh: Internet

Số tiền này được Cục Thuế Hà Tĩnh thông báo cho Công ty cổ phần sắt Thạch Khê vào ngày 13-3-2015 và đưa ra hạn nộp chậm nhất đến ngày 31-3-2015. Thế nhưng đến ngày 23-6, Công ty này vẫn chưa thực hiện mặc dù UBND tỉnh, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh và các ngành chức năng của tỉnh đã nhiều lần đôn đốc.

Trước tình thế này, ngày 23-6, UBND tỉnh Hà Tĩnh phải có văn bản đề nghị Bộ Tài  nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thúc giục Công ty cổ phần sắt Thạch Khê phải thực hiện xong việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trước ngày 30-6-2015.

Cùng ngày, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng có văn bản “đòi nợ” Công ty cổ phần sắt Thạch Khê và yêu cầu các đơn vị chức năng đôn đốc công ty thực hiện việc nộp tiền. “Trường hợp công ty không thực hiện, kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật” – Công văn của UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ.

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê có chủ đầu tư là Công ty CP Sắt Thạch Khê. Công ty có vốn pháp định 2.400 tỷ đồng với sự tham gia của các tập đoàn kinh tế và Tổng công ty hàng đầu.

Ngày 15-11-2012, Đại hội cổ đông Công ty CP Sắt Thạch Khê đã có Nghị quyết về việc góp vốn để thực hiện dự án với tỉ lệ cụ thể là: Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam 52%, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh 21%, Tổng công ty Thép Việt Nam 20%, Công ty BITEXCO 4%, Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long 3%.

Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo về việc huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu đến hết ngày 15-7-2015 nếu các cổ đông vẫn không góp đủ vốn theo quy định, Bộ Công Thương chỉ đạo phương án cho phép cổ đông hiện hữu điều chỉnh tỷ lệ góp vốn để bảo đảm vốn huy động cho Dự án.

Trường hợp các cổ đông hiện hữu không huy động đủ vốn, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam góp tăng vốn để thực hiện Dự án. Phần góp tăng vốn của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam giao Bộ Công Thương xem xét, xử lý cụ thể.