Dân “hít” khí độc, chính quyền không hề hay biết

ThienNhien.Net – Người dân làng Khê Tang, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai đang bị “bức tử” bởi mùi nhựa, cao su khét lẹt bốc lên nồng nặc từ cơ sở sản xuất, tái chế nhựa đã gần chục năm. Người dân đã nhiều lần kiến nghị, song đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này.

Dân “sống mòn” vì khí độc

Cơ sở sản xuất, tái chế nhựa Đồng Thành (huyện Thanh Oai), chuyên thu gom các loại dây nhựa, ống nhựa, ống cao su và nhựa phế thải khác để tái chế sản xuất loại xô nhựa màu đen chuyên đựng vôi vữa xây dựng, ống nhựa chịu nhiệt. Mặc dù nằm trên địa phận xã Bích Hòa nhưng khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất lại gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân làng Khê Tang (gồm thôn Mỹ, Cầu và Hạ), xã Cự Khê.

Các loại dây nhựa, ống nhựa, ống cao su và nhựa phế thải chất đống ở mảnh đất bên cạnh cơ sở Đồng Thành. (Ảnh: Tuyết Chinh)
Các loại dây nhựa, ống nhựa, ống cao su và nhựa phế thải chất đống ở mảnh đất bên cạnh cơ sở Đồng Thành. (Ảnh: Tuyết Chinh)

Có mặt tại hiện trường vào một ngày nắng nóng gay gắt, phóng viên báo TN&MT không khỏi rùng mình vì mùi khét của nhựa, cao su bốc lên nồng nặc. Ông Phạm Đăng Tiến – Trưởng thôn Mỹ bức xúc: Người dân trong thôn đã sống chung với ô nhiễm suốt 6,7 năm nay. Đặc biệt là vào ban đêm, ở trong nhà còn phải đeo khẩu trang.

Bà Phạm Thị Thực, người dân thôn Cầu cho biết: Trong làng nhiều cháu nhỏ thường xuyên mắc các bệnh ho, phổi, phế quản.

Các loại vụn nhựa, vụn xốp phơi dọc đọc đoạn đường bờ sống. (Ảnh: Tuyết Chinh)
Các loại vụn nhựa, vụn xốp phơi dọc đọc đoạn đường bờ sống. (Ảnh: Tuyết Chinh)

Người dân Khê Tang đã rất nhiều lần kiến nghị lên chính quyền xã, huyện, thành phố trong các cuộc tiếp xúc cử tri; báo chí cũng đã nhiều lần phản ánh. Tuy nhiên, cho đến nay tình trạng ô nhiễm chưa hề cải thiện. Ông Nguyễn Anh Phương – Phó Chủ tịch UBND xã Cự Khê cho biết: “Trong các kỳ họp của xã với lãnh đạo UBND huyện chúng tôi đều có ý kiến, nhưng hiện tại chưa có giải pháp giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm. Cái khó của xã là cơ sở sản xuất, tái chế nhựa đó lại nằm trên địa phận xã Bích Hòa nên chúng tôi không thể trực tiếp xử lý”.

Chính quyền liệu có biết?

Thực tế, người dân làng Khê Tang đang từng ngày “sống mòn” trong ô nhiễm do hít phải khí độc từ xưởng sản xuất, tái chế nhựa gây ra. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Oanh – Trưởng thôn Giữa (xã Bích Hòa), nơi cơ sở Đồng Thành hoạt động cho hay: Trước đây cơ sở này nằm trong làng thì thỉnh thoảng người dân có ý kiến còn bây giờ đã di chuyển ra xa dân nên không hề gây ảnh hưởng gì cả.

Còn ông Nguyễn Đức Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Bích Hòa khẳng định, việc cơ sở Đồng Thành sản xuất nhựa ở đây không gây ảnh hưởng đến người dân Bích Hòa. Chính quyền địa phương chưa nhận được phản ánh gì của người dân, còn việc người dân xã Cự Khê bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm và do đâu thì không nằm trong địa bàn quản lý của xã.

Ông Phó Chủ tịch xã Bích Hòa còn cung cấp một “Biên bản làm việc” mới nhất ngày 8/6/2015 tại trụ sở Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đồng Thành. Biên bản ghi rõ cơ sở này có đầy đủ các giấy tờ đảm bảo về an toàn môi trường theo quy định như: quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết (xưởng sản xuất các sản phẩm nhựa); giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại; báo cáo giám sát định kỳ năm 2014; biên bản công bố kết luận thanh tra năm 2015; báo cáo kết quả thực hiện đề án bảo vệ môi trường năm 2014.

"Biên bản làm việc" ngày 8/6/2015 tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đồng Thành. (Ảnh: Tuyết Chinh)
“Biên bản làm việc” ngày 8/6/2015 tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đồng Thành. (Ảnh: Tuyết Chinh)

“Công ty Đồng Thành có một hệ thống xử lý mùi và bụi, ống khói cao 26m. Qua kiểm tra, chính quyền xã đã yêu cầu cơ sở thu gom tất cả các loại nhựa phế thải về vị trí tập kết của công ty. Đồng thời, nhắc nhở công ty làm giấy khám sức khỏe định kỳ và bảo hiểm cho công nhân”, ông Nguyễn Đức Hòa khẳng định.

Được biết, cơ sở sản xuất, tái chế nhựa Đồng Thành do bà Nguyễn Thị Huệ, vợ ông Nguyễn Hữu Nhất – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Oai làm chủ. Liệu rằng, có sự mập mờ, khuất tất nào ở đây hay không khi mà mọi con số đều cho thấy cơ sở này hoạt động đảm bảo đúng quy định về môi trường?

Vậy thì, luồng khí thải độc hại mà người dân Khê Tang đang phải hứng chịu từng ngày từ đâu mà ra? Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc để điều tra làm rõ sự việc và có giải pháp mạnh mẽ xử lý triệt để tình trạng này.