Việt Nam, Philippines chịu tác động môi trường vì Trung Quốc

ThienNhien.Net – Một nhà khoa học Philippines nhận định nước này và Việt Nam sẽ là những quốc gia đầu tiên chịu tác động môi trường do các hoạt động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông.

Cựu Bộ trưởng Môi trường Philippines Angel Alcala cho biết hành động cải tạo đất của Bắc Kinh có thể dẫn đến việc mất đa dạng sinh học, ảnh hưởng nguồn cung cấp cá về lâu về dài.

“Tôi tự hỏi không hiểu tại sao các nhà khoa học Trung Quốc không hề đề cập vấn đề này” – ông Alcala nói. Theo lời ông Alcala, các động thái của Trung Quốc sẽ phá vỡ sự phân bố của ấu trùng hoặc trứng cá đã phát triển.

“Các đảo san hô vòng rất quan trọng ở biển Đông. Tại trung tâm của các đảo san hô vòng là những vụng biển, ở đó có nhiều loài cá và ấu trùng. Ấu trùng di chuyển đến các quốc gia khác nhau nhờ vào những dòng hải lưu. Nếu bao quanh vụng biển là đường giao thông hoặc máy bay, xác suất ấu trùng thoát ra ngoài sẽ sụt giảm” – Cựu Bộ trưởng Môi trường giải thích.

Ông Alcala nói rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp cá vì ấu trùng không thể phát triển thành cá trưởng thành. Và rồi cuối cùng, các hoạt động của Trung Quốc sẽ phá hủy cuộc sống của các khu dân cư ven biển. Do đó, ông Alcala cho rằng thế giới nên “ép” Trung Quốc ngừng hành vi bồi đắp đảo phi pháp.

Bộ Ngoại giao Philippines cáo buộc hoạt động cải tạo đất trái phép của Trung Quốc ở biển Đông hủy hoại 1,2 km2 rạn san hô. (Ảnh: PHILSTAR)
Bộ Ngoại giao Philippines cáo buộc hoạt động cải tạo đất trái phép của Trung Quốc ở biển Đông hủy hoại 1,2 km2 rạn san hô. (Ảnh: PHILSTAR)

Trước đó, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định hành vi lấn biển, xây đảo trái phép của Trung Quốc “gây thiệt hại trên diện rộng và không thể đảo ngược” đối với đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái của biển Đông.

Cơ quan này cáo buộc hoạt động cải tạo đất trái phép của Trung Quốc ở biển Đông hủy hoại 1,2 km2 rạn san hô, làm tổn thất 100 triệu USD/năm.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho rằng ít có khả năng xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ ở biển Đông nhưng cảnh cáo Bắc Kinh không được đơn phương tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở khu vực này.

Phát biểu tại Viện Chính sách quốc tế Lowy ở TP Sydney, bà Bishop bày tỏ hy vọng Trung Quốc và Mỹ sẽ tránh xảy ra xung đột. “Tôi tin rằng Mỹ và Trung Quốc hiểu rất rõ về những hậu quả thảm khốc nếu xảy ra xung đột giữa hai cường quốc này” – bà Bishop nói.

Ngoại trưởng Úc cho biết nước này quan ngại bất kỳ hành động đơn phương trong khu vực có thể gây căng thẳng, dẫn đến những tính toán sai lầm có nguy cơ dẫn tới xung đột vũ trang.

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng liên quan đến biển Đông leo thang trong những năm gần đây, nhất là Trung Quốc vừa gia tăng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này nuốt trọn gần cả biển Đông. Ngoại trưởng Bishop cũng kêu gọi các quốc gia có lợi ích ở đây đồng loạt lên tiếng phản đối Bắc Kinh.