Hạn hán nghiêm trọng ở Ninh Thuận có liên quan đến thủy điện?

ThienNhien.Net – Chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, ĐB Đỗ Văn Đương hỏi: Hạn hán nghiêm trọng ở Ninh Thuận có liên quan gì đến chặn các dòng sông làm thủy điện?

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII sáng 11/6, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) đặt câu hỏi: Tình hình hạn hán nghiêm trọng ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên hiện nay có liên quan gì đến việc phá rừng, chặn các dòng sông làm thủy điện quá nhiều tại các khu vực này trong thời gian vừa qua hay không? Nếu đúng như vậy, trách nhiệm hỗ trợ và bồi thường thiệt hại cho bà con nông dân của các doanh nghiệp thủy điện có đặt ra hay không?

Trách nhiệm của Bộ trưởng NN&PTNT và Bộ Công thương để có giải pháp khắc phục khô hạn ở đây một cách bền vững, lâu dài? Có cần thiết phải cấm triệt để, thậm chí đóng cửa bớt các nhà máy thủy điện để trả lại tự do cho các dòng sông để cứu hệ sinh thái và bà con nông dân?

Ông Cao Đức Phát trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 11/6. (Ảnh: VOV.VN)
Ông Cao Đức Phát trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 11/6. (Ảnh: VOV.VN)

Thủy điện không gây nên hạn hán?

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, bà con Ninh Thuận chưa bao giờ chịu hậu quả của hạn hán như năm nay. “Mấy chục năm công tác, tôi chưa bao giờ thấy hạn hán gay gắt như thế ở Ninh Thuận. 2 năm rồi gần như không có mưa, có nơi 4 vụ rồi không gieo cấy và vụ hè thu này hơn 10.000ha sẽ tiếp tục không thể gieo cấy được vì không có nước. Đến ngày hôm nay vẫn không có mưa” – Bộ trưởng nói.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Cao Đức Phát, trước hết là do “el nino”. Năm nay, hiện tượng này đang bao trùm cả khu vực, nên mưa gió rất thất thường, nắng nóng rất cực đoan. Trước tình hình này, Bộ đặt vấn đề, chỉ có năm nay mới diễn ra hay cả những năm tiếp theo?

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, cần lường trước những tình huống xấu hơn. Năm nay có thể hết nhưng có thể lặp lại nhiều hơn và nặng nề hơn, nên cần tính đến bài toán căn cơ, cả trước mắt và lâu dài. Trước mắt, Ninh Thuận và địa phương khác đang làm hết những gì có thể: chở nước đến cho dân, đảm bảo nước cho gia súc, hỗ trợ nhân dân chuyển đổi từ trồng lúa sang các cây trồng cạn, áp dụng các giống ngắn ngày, kỹ thuật tưới tiết kiệm… Về lâu dài, theo Bộ trưởng, cần phải đầu tư để xây dựng nhiều hồ chứa.

Cấp nước sinh hoạt cho người dân xã Phước Trung, huyện Bác Ái (Ảnh: Việt Quốc)
Cấp nước sinh hoạt cho người dân xã Phước Trung, huyện Bác Ái. (Ảnh: Việt Quốc)

Đồng ý với đại biểu Đỗ Văn Đương, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh, rừng rất quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy nhiều hồ chứa ở Ninh Thuận không có nước vì rừng ở trên đã suy kiệt; những nơi nào rừng tốt thì hồ nhỏ cũng có nước; những nơi nào không có rừng thì hồ lớn không có nước. Do đó việc xây dựng hồ chứa phải đi đôi với bảo vệ rừng.

Vấn đề khô hạn có liên quan đến thủy điện hay không, theo ông Cao Đức Phát, hồ thủy điện cũng là hồ chứa nước. Một nửa tỉnh Ninh Thuận canh tác nhờ nước từ thủy điện trên Lâm Đồng chảy xuống, một nửa nhờ vào các hồ chứa khác. Nếu không có thủy điện thì một nửa tỉnh này không thể gieo cấy.

“Ở đây chúng ta phải nhìn thấy 2 mặt của vấn đề. Thủy điện không làm mất nước ở trên. Vừa qua chúng ta đã rà soát và có chủ trương về vấn đề này. Nhưng theo tôi thủy điện không gây nên hạn hán mà ngược lại”.

Theo kế hoạch, buổi chiều 11/6, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng sẽ có câu trả lời bổ sung về vấn đề này.

Giải pháp căn cơ cho nông nghiệp Ninh Thuận

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhấn mạnh thêm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cần giải pháp chống hạn căn cơ như thế nào, nhất là ở Ninh Thuận? Ông Cao Đức Phát cho rằng về lâu dài, tỉnh Ninh Thuận cần tập trung vào 3 việc chính.

Thứ nhất, xây dựng các hồ chứa có thể điều tiết nước quanh năm, hiện nay tỉnh xác định là hồ Tân Mỹ. Theo Bộ trưởng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định dành 1.500 tỷ đồng để triển khai xây dựng hồ này; bên cạnh đó Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý cho làm ngay đập dâng, khoảng 300 tỷ đồng và Bộ đang gấp rút cùng tỉnh triển khai chủ trương này.

Thứ hai, Bộ sẽ huy động các nguồn lực ở Ninh Thuận để khôi phục rừng đầu nguồn cũng như ở các khu vực địa bàn miền Trung và Tây Nguyên.

Thứ 3 là điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng và các giải pháp kỹ thuật, trong đó nhấn mạnh đến kỹ thuật của Israel; bên cạnh đó có thể chuyển sang trồng cỏ để phát triển chăn nuôi gia súc.