Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Triều cường gây ngập úng, sạt lở đất, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền… gây thiệt hại cho sản xuất là những ảnh hưởng tiêu cực do thời tiết cực đoan từ biến đổi khí hậu (BĐKH) ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Xâm nhập mặn, sạt lở… làm khổ người dân

Những năm gần đây, xâm nhập mặn ngày càng ảnh hưởng đến các vườn cây trái của người dân xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Cách đây gần 5 năm, khi trái dừa trở nên bấp bênh trước quy luật cung cầu của thị trường, anh Phan Thanh Mẫn, xã Thành Thới A, thử nghiệm trồng 5 công (5.000m2) bưởi da xanh để thay thế. Những lứa bưởi đầu đã cho trái ngọt, thu nhập của mô hình lãi vài chục triệu đồng một vụ. Thế nhưng hiện nay, nước ở kênh nội đồng đã cạn, cộng thêm tình trạng xâm nhập mặn khiến cho vườn bưởi vàng lá, rụng bông, tỷ lệ đậu trái thấp. Anh Mẫn than thở: “Vài tháng nay, các nhà vườn trong xã đều thiếu nước ngọt để tưới cây, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng cũng như thu nhập của người dân. Vườn bưởi của tôi chắc đợt này cũng chỉ thu hoạch đủ tiền phân bón.”

Xây bờ kè chống sạt lở ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Việt Hà)
Xây bờ kè chống sạt lở ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Việt Hà)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, mùa khô năm 2014-2015, tình trạng xâm mặn vừa xuất hiện sớm, vừa vào sâu trong đất liền đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất ở địa phương. Hiện nay, độ mặn 4‰ trên các sông chính đã xâm nhập cách cửa sông Hàm Luông khoảng 42-44km; sông Cửa Đại khoảng 38-40km; sông Cổ Chiên khoảng 42-44km.

Song song với xâm nhập mặn, tình trạng sạt lở ở các tuyến đê biển đang là một vấn nạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Anh Nguyễn Văn Thư, Trưởng phòng Pháp chế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: “ Từ năm 2007 đến nay, Cà Mau đã có hơn 4.000ha rừng phòng hộ biển Tây bị mất do sạt lở. Bên cạnh đó, mực nước dâng cao cũng đã gây thiệt hại hàng chục nghìn héc-ta đất sản xuất của người dân. Cụ thể, năm 2007 mực nước đạt +1,5m, thiệt hại 4.886ha; đến năm 2013 mực nước đạt +2,25m, gây tràn bờ 10.354m…”

Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Bờ biển Gò Công từ cửa Soài Rạp đến cửa Tiểu (Tiền Giang) là một trong những điểm nóng về xói lở. Rừng phòng hộ tuyến đê biển Gò Công ngày càng mỏng, chỉ còn từ 30-300m; thống kê sơ bộ có hơn 2000ha rừng phòng hộ bị xâm thực, tàn phá. Tại vị trí đê xung yếu thuộc 2 xã Tân Thành và Tân Điền, rừng đã hoàn toàn bị xóa sổ, khiến hơn 3km đê biển trong vùng cực kỳ nguy hiểm đe dọa sự an toàn cho vùng ngọt hóa Gò Công 40.000ha và dân sinh (330.000 dân sinh sống bên trong đê).”

Đẩy mạnh ứng phó và thích ứng với BĐKH

ĐBSCL tuy diện tích chỉ chiếm 12% tổng diện tích tích tự nhiên cả nước, bao gồm 13 tỉnh, thành phố với số dân hơn 17 triệu người, nhưng hằng năm đóng góp đến 27% GDP với 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Những tác động của BĐKH đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề an ninh lương thực quốc gia. Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang hướng thích ứng với BĐKH là một trong những vấn đề trọng yếu được nhiều địa phương nghiên cứu, quan tâm. Ông Danh Thanh Phi, Bí thư Đảng ủy xã Nam Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang nói: Mô hình lúa-tôm cho lợi nhuận gấp 5-8 lần so với trồng lúa truyền thống. Năm 2015, xã  chuyển đổi tiếp 820ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng tôm-lúa, nâng tổng diện tích mô hình lên hơn 3.000ha.

Ngoài lúa-tôm, nhiều mô hình khác cũng đem lại hiệu quả thiết thực như: Nuôi trồng thủy sản (cá đối, cá chẽm, cá thòi lòi, tôm, cua, ba khía…) ở rừng phòng hộ ven biển; gieo trồng các giống lúa ngắn ngày, chịu mặn, năng suất cao… PGS, TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (Đại học Cần Thơ) nói: “Những biện pháp thích ứng phải được xây dựng theo đặc điểm tình hình của mỗi địa phương để xác định nên chọn biện pháp công trình (cải tạo hệ thống thủy lợi, nâng cao trình lộ, đê, quy hoạch, bố trí khu dân cư…) hay phi công trình (tăng cường nhận thức cộng đồng, đều chỉnh lịch thời vụ phù hợp với sự thay đổi của thời tiết; nghiên cứu các giống cây, con thích ứng, chống chịu được hạn, mặn…) hoặc kết hợp cả hai. Nhưng “chìa khóa” thành công là Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho các nhà khoa học tìm ra các mô hình mới và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tạo điều kiện học hỏi kinh nghiệm, công nghệ và tranh thủ sự tài trợ của quốc tế giúp phát triển nông thôn mới ứng phó với BĐKH.”