Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung để bảo vệ môi trường

ThienNhien.Net – Với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, giảm về cơ bản các nguồn gây ô nhiễm môi trường; khắc phục, cải tạo môi trường việc tăng cường sản xuất và sử dụng vật liệu không nung là cần thiết.

Ngày 29/5 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Xây dựng và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”.

Tham dự buổi Hội thảo có ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ, bà Louise Chamberlain, Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, đại diện Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cùng 100 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, các tỉnh thành, các công ty xây dựng cũng như các tổ chức quốc tế tham dự.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)

Mục tiêu của Hội thảo là giới thiệu các nội dung, chiến lược và kế hoạch thực hiện của dự án nhằm thu hút sự quan tâm rộng rãi của công chúng, tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân để thực hiện thành công dự án.

Dự án “tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” được tài trợ bởi Quỹ bảo vệ môi trường toàn cầu thông qua UNDP.

Phát biểu tại Hội thảo Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết trước thực trạng lượng phát thải khí nhà kính ngày một tăng cao, gây ảnh hưởng đến môi trường thì việc cắt giảm mức phát thải khí nhà kính là việc cấp thiết. Để thực hiện được việc đó cần  giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam.

Mức giảm phát thải khí nhà kính trực tiếp ước tính là 383.000 tấn CO2 trong 5 năm thực hiện dự án, mức giảm phát thải khí nhà kính gián tiếp ước tính đạt 13,409 triệu tấn CO2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi dự án kết thúc. Ngoài ra việc thực hiện dự án đáp ứng được các mục tiêu cụ thể của chiến lược bảo vệ môi trường đó là: Giảm về cơ bản các nguồn gây ô nhiễm môi trường; Khăc phục, cải tạo môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái, cải thiện điều kiện sống của người dân; Giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)

Dự án “tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” nhằm đẩy mạnh  thực hiện Mục tiêu quốc gia phát triển vật liệu không nung đến năm 2020 theo quyết định số 567/QĐ – TTg ngày 28/4/2010, phát triển gạch không nung thay thế dần gạch đất sét nung đạt 25% vào năm 2015, 40% vào năm 2020, sử dụng 15-20 triệu tấn phế thải côn nghiệp, tiết kiệm hàng năm khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp.

Ông Nguyền Đình Hậu, Giám đốc dự án cho biết, để đạt được mục tiêu trên cũng như thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình phát triển gạch không nung của Chính phủ, dự án sẽ góp phần tháo gỡ rào cản đối với việc sản xuất và sử dụng vật liệu không nung thông qua việc thực hiện 4 hợp phần: Tăng cường chính sách, hướng dẫn, tiêu chuẩn và quy chuẩn cho việc sản xuất và sử dụng gạch không nung cũng như tăng cường năng lực của cán bộ có trách nhiệm nhằm thực thi một khung điều tiết được tăng cường; Nâng cao kiến thức và tăng cường năng lực của các cơ sở sản xuất và các nhóm đối tượng tiềm năng sử dụng gạch không nung về ứng dụng công nghệ và sử dụng sản phẩm gạch không nung; Nâng cao khả năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như của các nhà đầu tư tiềm năng trong việc tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất phải chăng để thực hiện các dự án gạch không nung; Trợ giúp kỹ thuật trong việc phát triển các dây chuyền sản xuất gạch không nung và sử dụng các sản phẩm trong các dự án xây dựng mới.