Bất thường các dự án nạo vét (Bài 2): Địa phương chặn, bộ gỡ

ThienNhien.Net – Nhiều dự án nạo vét luồng tuyến thủy nội địa mắc sai phạm nhưng Bộ Giao thông Vận tải vẫn tạo điều kiện cho tiếp tục hoạt động.

Tiến sĩ Đinh Công Sản – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam – xác định nạo vét, duy tu luồng tuyến là điều cần thiết để bảo đảm thoát lũ, lưu thông đường thủy. Tuy nhiên, đây là việc rất phức tạp và cần thận trọng vì liên quan đến hoạt động chỉnh trị sông. “Lực lượng chức năng quá mỏng, người dân không có chuyên môn, chủ đầu tư hoạt động một mình một cõi. Vì vậy, rất khó để giám sát họ có múc đúng vị trí, đúng khối lượng, đúng phương án đã đề ra hay chỉ chăm chăm những chỗ có cát” – TS Sản phân tích.

Tiền trảm hậu tấu

Có thể thấy hoạt động nạo vét tác động rất lớn đến người dân sống hai bên bờ sông. Thế nhưng, hầu hết người dân chỉ biết về dự án khi chủ đầu tư đưa thiết bị đến múc cát, mà hoàn toàn không được hỏi ý kiến trước đó. Thậm chí, chính quyền địa phương cũng ngỡ ngàng…

Sông Đồng Nai bị ngoạm sâu. (Ảnh: nld.com.vn)
Sông Đồng Nai bị ngoạm sâu. (Ảnh: nld.com.vn)

Công ty TNHH Luyện cán thép Hiệp Phát được chấp thuận nạo vét luồng sông Đồng Tranh (huyện Cần Giờ, TP HCM). Chưa đăng ký khối lượng thu hồi cát sỏi với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), doanh nghiệp (DN) này đã nạo vét, tận thu. Phòng Cảnh sát Đường thủy Công an TP HCM phát hiện nên đã yêu cầu tạm ngưng, chờ ý kiến các cơ quan chức năng. Tương tự, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Giang Linh được cấp phép thực hiện dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa sông Đuống (Bắc Ninh) từ tháng 12-2014. Tuy nhiên, từ tháng 8-2014, DN này đã đưa hàng chục sà lan cùng nhiều tàu thuyền công suất lớn đến khai thác rầm rộ, bán cát tại chỗ và bị UBND huyện Tiên Du xử phạt 30 triệu đồng vì hành vi hút cát trái phép.

Người dân huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương sống bên sông Đồng Nai từng khốn đốn vì dự án duy tu sông Đồng Nai đoạn từ Km 44+500 m đến Km 70+ 500 m của Công ty CP Xây dựng, Đầu tư và Phát triển cảng biển Tân Phú Thịnh. Nhiều diện tích đất đai, nhà cửa… của người dân trôi sông khi dự án triển khai. Nhận thấy hậu quả nghiêm trọng của vụ việc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã kiến nghị Bộ TN-MT xem xét cho dừng hoặc đình chỉ dự án lợi dụng chủ trương nạo vét luồng sông để tận thu cát, gây nhiều tác động xấu. Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vào cuộc và phát hiện độ sâu cũng như khối lượng nạo vét thực tế vượt quá quy định cho phép.

Thả lỏng khâu giám sát

Theo ông Trần Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, vẫn chưa cho phép Công ty Hiệp Phước đăng ký tận thu trở lại nên tạm thời dự án này đang tạm ngưng phía Đồng Nai. Mới đây, Bộ GTVT tiếp tục có văn bản đề nghị 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP HCM hỗ trợ các chủ đầu tư thực hiện dự án thông luồng tuyến bằng nguồn vốn xã hội hóa, được đăng ký tận thu khoáng sản. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai vẫn đang cân nhắc bởi liên quan đến hoạt động nạo vét là tận thu khoáng sản nhưng hiện chưa có quy trình chung về đăng ký tận thu cũng như quá trình giám sát hoạt động của DN.

Dù Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 37 quy định về nạo vét luồng thủy nội địa nhưng vẫn thiếu phân công đơn vị nào sẽ giám sát quá trình hoạt động của chủ đầu tư cũng như thiếu sót trong quá trình giám sát sẽ chịu trách nhiệm ra sao? Quan trọng nhất là thiếu chế tài đối với chủ đầu tư nạo vét sai luồng tuyến, quá độ sâu cho phép, khai thác quá khối lượng đăng ký tận thu… hay chỉ lấy cát còn bùn bỏ xuống như Công ty Hiệp Phước vừa qua. Vì thế, tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ TN-MT ra một thông tư liên tịch hướng dẫn vấn đề này. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết để làm được điều này thì mất thời gian khá lâu, ảnh hưởng đến tiến độ dự án của các DN. “Nếu Bộ GTVT lo ảnh hưởng tiến độ thì cần ra văn bản riêng hướng dẫn cho từng dự án để địa phương có cơ sở thực hiện và truy trách nhiệm khi xảy ra sai phạm” – ông Thường đề xuất.

TS Đinh Công Sản cho rằng bên cạnh các giải pháp về tăng cường giám sát, việc cần làm đầu tiên là xác định trữ lượng bùn cát trên các sông để có cơ sở về khối lượng cho phép nạo vét cũng như quản lý hoạt động nạo vét. “Hiện nay, lượng cát trên các sông cũng không còn nhiều vì các đập trên thượng nguồn đã làm giảm lượng cát, phù sa về hạ nguồn. Khảo sát của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho thấy trữ lượng khai thác cát sông Cửu Long chỉ còn 2 triệu m3, trong khi sông Đồng Nai và nhiều sông khác chưa có số liệu đánh giá” – TS Sản nói.

Phải thanh, kiểm tra các dự án

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Trong đó, yêu cầu Bộ GTVT hằng năm gửi quyết định phê duyệt; thông báo kế hoạch, thời gian thực hiện các dự án nạo vét, khơi luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa quốc gia thuộc thẩm quyền để Bộ TN-MT, UBND cấp tỉnh liên quan phối hợp quản lý. Đồng thời, phải thanh tra, kiểm tra các dự án; nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát trái phép. Bộ Tài chính được giao ngăn chặn gian lận thương mại trong xuất khẩu khoáng sản. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các ngành rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật về hình sự đối với các hành vi điều tra, thăm dò, khai thác, vận chuyển, buôn bán khoáng sản trái phép.