Đại diện Việt Nam nhận giải thưởng thực thi pháp luật về môi trường Châu Á

ThienNhien.Net – Ngày 21-5, tại trụ sở Liên hiệp quốc tại Thái Lan, Ủy ban Kinh tế và xã hội Châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP) đã trao giải thưởng“Thực thi pháp luật về môi trường Châu Á”cho các tổ chức, cá nhân có thành tích đặc biệt trong công tác đấu tranh chống tội phạm động vật hoang dã.

Các tổ chức, cá nhân được trao giải thưởng thuộc nhiều quốc gia như: Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan… Việt Nam có đại diện duy nhất là ông Đỗ Thanh Quang, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP.HCM) được trao giải.

Theo đại diện Chi cục, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện năm vụ việc vận chuyển trái phép ngà voi, thu giữ 43,5 kg ngà voi cắt khúc, 6,39 kg sản phẩm chế tác từ ngà voi.

Số ngà voi còn nguyên vẹn bị bắt giữ. (Ảnh: Pháp luật TP Hồ Chí Minh)
Số ngà voi còn nguyên vẹn bị bắt giữ. (Ảnh: Pháp luật TP Hồ Chí Minh)

Điển hình như ngày 26-3, lực lượng hải quan phát hiện trong hành lý của ông Vũ Văn Cương (số hộ chiếu: B 9385220), nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay VN10 từ Pari (Pháp) có một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Theo kết quả giám định, các sản phẩm đều được chế tác từ ngà voi Châu phi, có tên khoa học là Loxodonta africana, là loài voi có tên trong danh sách các loài động vật hoang dã thuộc diện quản lý của công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, cấm xuất – nhập khẩu.

Sừng tê giác bị thu giữ. (Ảnh: Pháp luật TP Hồ Chí Minh)
Sừng tê giác bị thu giữ. (Ảnh: Pháp luật TP Hồ Chí Minh)

Trước đó, vào ngày 12-3, Chi cục cũng phát hiện một hành khách nhập cảnh từ Quatar về Việt Nam mang theo sáu miếng dạng sừng màu đen, được cắt ra từ loài tê giác hai sừng châu Phi (tên khoa học Diceros bicomis). Trong lượng lô hàng khoảng 1,39 kg và bảy vòng đeo tay được chế tác từ ngà voi châu Phi (tên khoa học Loxodonta Africana). Để đưa qua cửa khẩu, đối tượng này giấu hàng trong thùng nhựa chứa tôm hùm đông lạnh. Tang vật được gói trong nhiều lớp nylon, cất giấu trong phần đầu và phần thân của tôm hùm. Đây là hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu, thuộc Danh mục CITES.