PGS. TS Đào Trọng Tứ: Các dòng sông đang suy kiệt

ThienNhien.Net – Tiếp tục câu chuyện về sự cạn kiệt và biến đổi của các dòng sông, trong đó có sông Hồng, 18-5), chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Đào Trọng Tứ – Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam). Đặc biệt là đánh giá tác động của thủy điện tới vùng hạ lưu khi mà một mùa lũ lại đang cận kề.

20052015_PGSTSDaotrongtu

PV: Thưa ông, GS Phạm Hồng Giang – Chủ tịch Hội Đập lớn khẳng định việc sông Hồng sụt lún là do khai thác cát, ông có đồng tình với ý kiến này không?

PGS. TS Đào Trọng Tứ: Khai thác cát trên sông một cách dữ dội là một nguyên nhân khiến dòng sông bị thay đổi, bị hạ thấp đáy sông, mực nước sông tụt xuống và các cống ven sông Hồng để lấy nước vào ruộng đồng bị treo. Nhưng còn có nhiều nguyên nhân khác đang tác động dữ dội vào sông Hồng như những hồ chứa thủy điện rất lớn ở vùng đầu nguồn. Nó là nơi trữ phù sa khiến vùng hạ lưu chỉ còn là những dòng nước đói, nước đói khi chảy làm lở bờ, xói lở lòng sông.

Nghĩa là, thưa ông, đối với sông Hồng – con sông cái, mà cứ nhắc đến chúng ta lại nghĩ tới những dòng chảy cuồn cuộn phù sa giờ đây đang đói phù sa. Ngoài ra, sông Hồng đang còn phải đối mặt với những thách thức nào nữa?

– Chúng ta đi trên những cây cầu bắc qua sông Hồng có thể có lúc vẫn thấy nước cuồn cuộn chảy. Nhưng có nhiều đoạn, nhiều thời điểm trong năm, chúng ta thấy sông Hồng ít hồng hơn, nước sông Hồng trong hơn trước đây rất nhiều. Tôi đã có những lần đi khảo sát dọc sông Hồng thì thấy sông Hồng đã rất khác so với ngày xưa. Chúng ta có quá nhiều hồ chứa nước ở thượng lưu sông Hồng. Có những lúc sông Hồng cạn kiệt hơn, về mùa lũ sông Hồng không còn lũ nữa. Đứng về mặt khoa học, không có lũ thì đâu có tốt, mà còn là một vấn đề. Chúng ta rất cần lũ ở mức độ nhất định để làm sạch và làm màu mỡ đồng ruộng. Nhưng giờ đây chúng ta đang phải nằm mơ những mùa lũ đẹp ở đồng bằng sông Cửu Long và ở đồng bằng sông Hồng. Còn một thách thức nữa là khi xây dựng các đô thị ven sông chúng ta đã không để ý đến sức khỏe của dòng sông. Ngay cả sông Hồng cũng đang bị lấn ra sông để xây dựng nhà cửa…

Chúng ta không thể thay đổi được những hồ chứa thủy điện, thưa ông, vậy nên có giải pháp nào để khắc phục những tác động tới dòng chảy đang đe dọa sự suy kiệt tài nguyên nước?

– Hiện nay chúng ta về cơ bản con sông nào cũng đã được xây dựng các hồ đập rồi, chúng ta không thể trong ngày 1 ngày 2 thay đổi được. Vậy chúng ta chỉ còn cách thay đổi cách sử dụng các hồ chứa. Với sông Hồng thì các hồ chứa đầu nguồn rất lớn, có khả năng điều tiết nhiều năm. Do đó, để vào mùa thiếu nước các hồ chứa đó vẫn tăng cường được nước xuống phía hạ nguồn làm mực nước cao lên, tránh tác hại của hạn hán chỉ phụ thuộc vào câu chuyện điều tiết của quản lý nhà nước. Phải đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả mọi người, của thủy điện, của nông nghiệp, của cấp thoát nước chứ không phải những công trình được xây dựng ở đầu nguồn chỉ phục vụ cho một mục tiêu. Phải sử dụng tốt hơn tác dụng của hồ chứa cho quyền lợi của tất cả mọi người.

Nhưng câu chuyện điều tiết nước chắc chỉ giải quyết được với sông Hồng, chứ với các sông nhỏ thì khó khăn hơn rất nhiều. Ví dụ hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn chẳng hạn, đó là hệ thống sông rất ngắn, có các hồ chứa không lớn, nên việc khắc phục những tác động rất khó.

Mục tiêu của hồ chứa để điều tiết nước không thực hiện được, những năm qua, như ông vừa nói, đồng bào miền Trung còn phải chịu những cơn lũ do chính thủy điện gây ra?

– Phải nói ngay là thủy điện thì không phải là nguyên nhân tạo nên lũ. Vấn đề ở đây là câu chuyện vận hành hồ chứa. Nó mới là nguyên nhân gây ra tác hại của thủy điện đối với vùng hạ lưu. Chúng tôi đã nghiên cứu thì thấy nếu vận hành đúng, hợp lý hồ chứa thủy điện cũng không tăng thêm quá nhiều tác động. Những năm qua chúng ta chứng kiến một sự vận hành không hợp lý. Nếu chứa nước quá sớm thì khi mùa lũ đến không còn chỗ chứa buộc phải xả. Mà xả lượng nước quá lớn, quá gấp làm lũ trên sông lên rất nhanh làm khốn khổ người dân như câu chuyện Thủy điện Đăk Mi 4 năm 2013. Có thể nói rất nhiều hồ chứa thủy điện hiện nay đều không có tác dụng giảm lũ mùa mưa và tăng nước mùa khô.

Trên một dòng sông có rất nhiều thủy điện nếu không có hệ thống dự báo tốt và điều phối chung cho tất cả thủy điện thì rất gay go. Trong mùa lũ gặp rất nhiều trắc trở và tai họa mỗi ngày một lớn hơn.

Phải làm sao sử dụng các công trình đã trót xây dựng trên các đầu nguồn sông một cách hiệu quả, hài hòa lợi ích của tất cả các ngành và đảm bảo không tác động xấu đến đời sống nhân dân.

Thưa ông, ngoài các công trình thủy điện và những tác động ở vùng đầu nguồn, ở vùng hạ lưu các dòng sông hiện nay đang gặp những thách thức gì, thưa ông?

– Chúng ta hiện nay có khá nhiều sông ngòi, hơn 3000 con sông, phải nói rằng vấn đề sông ngòi chính là sự bảo đảm sự tồn vong và phát triển của con người trong tương lai. Tuy nhiên, do dân số phát triển, do nhu cầu phát triển kinh tế quá nhanh, quá nóng nên nhiều khi chúng ta nhìn nhận các dòng sông, cư xử với các dòng sông không thật tốt nên gây lên nhiều hệ lụy với chúng ta hôm nay và cho thế hệ mai sau.

Ngoài công trình ở phía đầu nguồn mà hiện nay chúng ta đã gần như ” đã hoàn thành” với các dòng sông thì chúng ta xử sự với các dòng sông ở phía hạ lưu không phù hợp, lấn sông là một thách thức. Các dòng sông đang chịu tác động của khai thác quá mức, thảm thực vật bị tác động.

Ô nhiễm sông do làng nghề, do xả thải của các khu công nghiệp cũng đang làm suy kiệt tài nguyên nước. Nói tài nguyên nước là phải nói đến nước sạch, nước dùng được chứ nước bị ô nhiễm sao gọi là tài nguyên. Các dòng sông đang suy kiệt về mặt sức khỏe, suy thoái về nguồn nước, cần phải được nhìn nhận lại.

Trân trọng cảm ơn ông!