Lo cho Sơn Đoòng!

ThienNhien.Net – Thế giới đang phát sốt trước vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí của Sơn Đoòng và hệ thống hang động Phong Nha – Kẻ Bàng nói chung. Vì thế, để vừa phát triển du lịch vừa bảo tồn được di sản này là chuyện không hề đơn giản.

Sự kiện hãng truyền hình ABC (Mỹ) lên sóng vệ tinh trực tiếp cảnh quay về hang Én và hang Sơn Đoòng thuộc Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) đã thu hút hàng chục triệu người trên thế giới xem chương trình này. Cùng với dự báo lạc quan về lượng du khách trong nước và nước ngoài tới đây tham quan sẽ tăng đột biến là nỗi lo “nàng công chúa ngủ trong rừng” này bị đánh thức.

Khách tham quan tăng vọt

VQG Phong Nha – Kẻ Bàng được mệnh danh là “vương quốc hang động” với khoảng 300 hang động lớn nhỏ cùng hệ thống sông ngầm kỳ bí trải dài trên dãy núi đá vôi rộng khoảng 200.000 ha. Những hang động tuyệt đẹp, nổi tiếng phải kể đến là Phong Nha, Tiên Sơn, động Thiên Đường…và đặc biệt là hang Sơn Đoòng. Chính nhờ những hang động quyến rũ này mà khách đến tham quan Quảng Bình tăng mạnh từng năm: Từ 150.000 lượt (trong đó 1.400 lượt khách nước nước ngoài) năm 2002 tăng lên 2,6 triệu lượt (38.000 lượt khách nước ngoài) năm 2014.

Cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của hang Sơn Đoòng có thể bị phá vỡ nếu như không có giải pháp bảo tồn, gìn giữ Ảnh: Ryal Deboodt
Cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của hang Sơn Đoòng có thể bị phá vỡ nếu như không có giải pháp bảo tồn, gìn giữ Ảnh: Ryal Deboodt

Trong một nghiên cứu mới đây, bà Ngô Nữ Quỳnh Trang, cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, bày tỏ lo ngại sự phát triển du lịch kéo theo việc mở rộng quy mô cơ sở hạ tầng phục vụ du khách sẽ gây ra những tác động tiêu cực cho cảnh quan, môi trường Phong Nha – Kẻ Bàng. “Việc đầu tư các công trình hạ tầng ồ ạt thời gian qua gián tiếp tạo thuận lợi cho khai thác gỗ, săn bắn thú rừng trái phép. Mặt khác, quá trình xây dựng đã thải ra môi trường một số lượng chất thải đáng kể, gây khói bụi” – bà Trang đánh giá.

Thực tế cho thấy hoạt động du lịch ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng gây tiếng ồn ảnh hưởng đến các loài linh trưởng, gây ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước. Tại một số điểm đón lượng khách lớn như động Phong Nha, động Thiên Đường, suối Nước Moọc…, môi trường bị tổn thương nghiêm trọng bởi ô nhiễm.

Không những thế, những thiết bị lắp đặt chiếu sáng tại các hang động như Phong Nha, Thiên Đường còn có nguy cơ làm giảm tăng trưởng các loài ở đây như tảo, nấm… Lượng khách quá tải trong mùa hè như hiện nay cũng tác động không nhỏ đến hệ sinh thái bên ngoài hang động.

Bằng mọi giá phải bảo vệ

Lo ngại những tác động tiêu cực đến cảnh quan và môi trường trước sự nổi tiếng của Sơn Đoòng, nhất là tới đây sẽ có nhiều du khách tìm đến, ông Phan Đình Tân – Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch – cho biết quan điểm của bộ là bằng mọi giá phải bảo vệ hang động này nói riêng và hệ thống hang động Phong Nha – Kẻ Bàng nói chung.

“Việc khai thác, phát triển đối với Sơn Đoòng phải được tính toán kỹ, không thể vì mục đích kinh tế, mục đích phát triển du lịch mà làm bằng mọi giá. Phải tôn trọng những giá trị tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng cho Sơn Đoòng. Bảo vệ nguyên vẹn di sản này không phải cho riêng Việt Nam mà còn cho cả thế giới” – ông Tân nhấn mạnh.

Về chiến lược phát triển du lịch đối với Sơn Đoòng cũng như di sản Phong Nha – Kẻ Bàng, ông Tân cho rằng với những giá trị tuyệt vời vốn có, cần phát triển Sơn Đoòng thành hạt nhân để thu hút du khách khắp nơi trên thế giới, từ đó các dịch vụ khai thác khác cũng phát triển theo. Tuy nhiên, ông Tân lưu ý: “Với những di sản tuyệt vời như Sơn Đoòng, phải có biện pháp bảo tồn, giữ nguyên trạng kỳ quan để phát triển lâu dài chứ không thể phát triển du lịch theo kiểu ăn sẵn”.

Báo The New York Times từng xếp Quảng Bình đứng hàng thứ 8 trong 52 điểm du lịch hấp dẫn nhất hành tinh trong năm 2014. Giám đốc một công ty du lịch lớn tại Hà Nội cho rằng Quảng Bình được ghi danh vào bản đồ du lịch thế giới nhờ Sơn Đoòng. Vì thế cần phải bảo vệ, chống lại mọi sự can thiệp đối với “nàng công chúa ngủ trong rừng” này.

“Chiêm ngưỡng tận mắt “vườn địa đàng” Sơn Đoòng và những thảm động thực vật cùng dòng sông ngầm là ước mơ của hàng triệu người nhưng không thể vì thế mà có thể xây cáp treo vào đây. Khi hàng triệu người cùng đến đây thì môi trường hoang sơ của Sơn Đoòng liệu có còn hay sẽ bị hủy hoại bởi khai thác du lịch ồ ạt? Các loài sinh vật vốn xưa nay quen sống trong bóng tối hang động; những viên “ngọc động”, tinh thể canxi được hình thành từ dòng sông ngầm cả triệu năm liệu có còn khi phải đối mặt với những du khách thô bạo thích viết, vẽ lên di sản như một thứ đánh dấu?” – vị giám đốc này cảnh báo.

Cả thế giới đang phát sốt trước vẻ đẹp kỳ bí của Sơn Đoòng và hệ thống hang động Phong Nha – Kẻ Bàng. Hang động này đẹp bởi sự nguyên sơ, chưa có bàn tay can thiệp của con người. “Nếu không có thái độ đúng về việc bảo tồn di sản, rất có thể chúng ta sẽ tự hủy hoại những gì đang có…” – một cư dân mạng nhìn nhận đồng thời kêu gọi mọi người chung sức bảo vệ Sơn Đoòng và cả Phong Nha – Kẻ Bàng.

Tránh làm theo kiểu ăn xổi ở thì

Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho rằng việc hãng truyền hình ABC lên sóng vệ tinh trực tiếp cảnh quay về hang Én và hang Sơn Đoòng là một cú hích mạnh mẽ cho du lịch Quảng Bình tăng trưởng vượt bậc.

“Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta làm du lịch theo kiểu ăn xổi ở thì. Thay vào đó, phải chú trọng quản lý, bảo tồn, phát huy, phát triển di sản; không chỉ để giữ danh hiệu mà còn giữ vững uy tín, vị thế và hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Vì vậy, mỗi người dân Quảng Bình đều phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát triển, bởi đó là tài sản quý giá của đất nước” – ông bày tỏ.


 

Đến nay, đã có 2.315 hộ gia đình ở Quảng Bình và 5 cơ quan, đơn vị ký cam kết bảo vệ rừng, bảo vệ di sản Phong Nha – Kẻ Bàng.


 

Ứng xử đặc biệt với di sản

Thế giới ngày càng chú ý hơn đến di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng với hang Sơn Đoòng nổi tiếng. “Để phát triển du lịch một cách bền vững, phải bảo vệ những giá trị đích thực của di sản này. Phải coi bảo vệ di sản và phát triển du lịch bền vững là làm cái bánh to chứ không phải là nhiều cái bánh. Nói cách khác, cần phải có sự kết nối trong phát triển du lịch của các di sản” – bà Ngô Nữ Quỳnh Trang bày tỏ.

Kinh nghiệm cho thấy khi Festival Huế được tổ chức 2 năm/lần, lượng khách đến Phong Nha – Kẻ Bàng, Mỹ Sơn và Hội An tăng lên, nguồn thu của các địa phương cũng tăng theo. Đó là kết quả của sự kết nối du lịch các di sản. Vì vậy, theo bà Trang, cần kiếm đối tác đủ tầm để xây dựng quy hoạch tổng thể về bảo tồn và phát triển di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. “Phải đẩy mạnh liên kết trong phát triển du lịch, chú trọng phát huy sức mạnh cộng đồng và phát triển du lịch xanh là định hướng cơ bản nhằm khai thác có hiệu quả và quảng bá giá trị của di sản” – bà Trang đề xuất.

Cảnh đẹp hoang sơ ở Sơn Đoòng
Cảnh đẹp hoang sơ ở Sơn Đoòng

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần có sự ứng xử đặc biệt với di sản Phong Nha – Kẻ Bàng. Vì thế, việc bảo tồn di sản và phát triển du lịch tại đây hay bất kỳ nơi nào khác cũng cần có một cái nhìn tổng thể, theo hướng lâu dài, bền vững, tránh căn bệnh “chụp giật”, “ăn liền”; đi đôi với nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng về bảo vệ, bảo tồn di sản.

Theo bà Trang, trách nhiệm của người dân, cộng đồng là rất quan trọng. Chính quyền các cấp và cơ quan chức năng cần có giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển kinh tế thông qua việc giúp người dân tham gia các hoạt động du lịch sinh thái bền vững nhằm giải quyết vấn đề sinh kế, giảm thiểu áp lực về đời sống của họ lên nguồn tài nguyên thiên nhiên trong di sản Phong Nha – Kẻ Bàng.