Giao khoán rừng theo Quyết định 304: “Trên dừng… dưới phá”

ThienNhien.Net – Gần 10 năm thực hiện Quyết định 304 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng thôn buôn trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc nhưng đến nay chỉ đạt 32% kế hoạch. Rừng được giao giờ đã tan hoang, người dân thì không còn tha thiết nữa.

Tỉnh Đắc Lắc là một địa bàn trọng điểm về thực hiện QĐ 304 ở khu vực Tây Nguyên. Tổng kinh phí hỗ trợ cho tỉnh Đắc Lắc do Trung ương cấp để thực hiện QĐ 304 lên đến 13 tỷ đồng. Trong khi đó, kế hoạch xây dựng hằng năm của các địa phương, UBND tỉnh đã giao kinh phí thực hiện cho các huyện chỉ gần 3,2 tỷ đồng. Số tiền giải ngân đã ít và thực tế thì khi QĐ 304 về tận các huyện càng ít hơn, trong số 4 huyện được giao kinh phí để thực hiện QĐ thì đến nay chỉ thực hiện được 815 triệu đồng, còn lại phải trả về tỉnh 2,2 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, số tiền các huyện dùng để giải ngân cũng chỉ để mua gạo và cây giống, còn những khoản khác theo chính sách thì không thấy đâu. Nhiều huyện như M’Đrắc, Buôn Đôn, Ea H’Leo, Krông Ana tham gia giao khoán rừng cho người dân nhưng đến nay chỉ có 8.577 ha với 1209 hộ, 7 cộng đồng thực hiện, chỉ đạt 32 % kế hoạch. Trong vòng 5 năm trở lại đây, việc này đã “dậm chân tại chỗ”. Một thực tế đáng buồn, có ngân sách bố trí hẳn hoi nhưng kết quả thực hiện không đạt được như mục tiêu đã đề ra. Vì vậy, mới đây Sở NN&PTNT Đắc Lắc đã kiến nghị UBND tỉnh dừng triển khai thực hiện QĐ 304 vì không mang lại hiệu quả gì. Điều này có nghĩa là chủ trương giao rừng, khoán rừng cho hộ dân và cộng đồng ở Đắc Lắc đang bế tắc.

Thu hoạch lâm phụ sản, “tiện tay” trảm nốt gỗ rừng là một thực tế ở Đắc Lắc. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Thu hoạch lâm phụ sản, “tiện tay” trảm nốt gỗ rừng là một thực tế ở Đắc Lắc. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Lý giải về việc không hiệu quả này, Sở NN&PTNT cho rằng rừng giao cho các hộ dân thuộc dạng nghèo kiệt, xa khu dân cư nên dễ bị xâm hại, công tác cấp phát vốn, chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được giao khoán còn quá chậm. Đặc biệt là cơ chế hưởng lợi từ việc giao khoán rừng còn chậm đến với người dân, bởi theo quyết định, đối tượng nhận giao khoán ngoài hưởng lợi các sản phẩm gỗ theo chu kỳ kinh doanh như Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ, đồng bào thiểu số tại chỗ còn được hưởng các chính sách kèm theo như: được thu hoạch toàn bộ lâm sản phụ trên diện tích được giao, được hỗ trợ cây giống để trồng lại rừng, được cấp 10 kg gạo/khẩu/tháng đối với hộ nghèo đói, thiếu đói và các vùng khó khăn được phụ giúp 5 triệu đồng để làm nhà, 5 triệu đồng để khai hoang đất sản xuất, 400 nghìn đồng để xây bể nước sinh hoạt. Thế nhưng, việc thực hiện các chính sách này không thể triển khai được đến với người dân.

Rừng giao khoán theo QĐ 304 ở xã Dur Kmăl (Krông Ana) bị tàn phá nghiêm trọng. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Rừng giao khoán theo QĐ 304 ở xã Dur Kmăl (Krông Ana) bị tàn phá nghiêm trọng. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Để tìm hiểu về hiện trạng này, chúng tôi đã về xã Dur Kmăl, H. Krông Ana, nơi có diện tích giao khoán cho đồng bào thiểu số khá lớn. Tại địa phương này, chúng tôi chứng kiến quang cảnh tan hoang, rừng bị đốn hạ hầu như 100%, chỉ chừa lại những cây họ sung gỗ không giá trị. Nhiều diện tích lớn đất rừng được cày xới để canh tác nông nghiệp, chứ không phải trồng rừng theo như QĐ 304. Một người dân ở Buôn Triết cho biết, khoảng 2 năm nay rừng giao khoán xung quanh xã bị tàn phá một cách nghiêm trọng. Cứ đến chập tối, lâm tặc lại nổ cưa máy đốn rừng và kéo dài cả đêm. Những thớ gỗ tốt thì xẻ thành phách hộp bán ra ngoài, gỗ xấu hơn thì bán cho các chủ lò đốt than hay nung gạch. Còn những thứ nhùng nhằng không giá trị thì cho mồi lửa cháy vài ngày mới hết. Họ cho xe vào chở lộ liễu lắm, chạy cả đêm cả ngày vậy. E đến Tết này hết rừng là chắc chắn…

Quyết định giao khoán rừng ở Đắc Lắc trên thì đề nghị dừng lại, dưới thì tiếp nhận và ra sức tàn phá. Không biết đến khi dừng lại chính thức thì có còn rừng không nữa?