Trồng rừng ở Tuyên Quang: Những con số thống kê ấn tượng trên… giấy?

ThienNhien.Net – Từ 2010 đến nay, Tuyên Quang luôn đi đầu về hoàn thành kế hoạch trồng rừng, trở thành một trong những tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực phủ xanh đồi núi trọc, việc bảo vệ và khai thác rừng trồng ở đây lại gặp không ít khó khăn.

Câu hỏi đặt ra là tại sao năm nào Tuyên Quang cũng trồng rừng với diện tích tăng lên, trong khi nhiều hécta rừng lại không khai thác được? Qua tìm hiểu, tại một số khu vực đã xảy ra tình trạng rừng trước đó đã trồng nhưng không được chăm sóc, dẫn đến tỷ lệ cây sống thấp…

Diện tích rừng trồng biến động giảm

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang, cho biết thực hiện kế hoạch trồng rừng, trong năm 2014, toàn tỉnh đã trồng được 14.336,6 ha rừng, vượt 3,9% kế hoạch. Trong đó, trồng rừng tập trung có 13.771,2 ha; trồng rừng phân tán 565,9 ha.

Theo ông Khoa, những năm trước việc trồng rừng tại Tuyên Quang thuận lợi hơn do đất trống nhiều, còn năm nay chủ yếu là trồng lại sau khai thác, nên đối với diện tích chưa khai thác thì chưa thể trồng được.

“Qua thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 30.000 ha đất rừng trống, nhưng nó nằm rải rác tại các xã với diện tích nhỏ, do đó việc trồng rừng theo từng khu, vùng là rất khó khăn.

Dẫu vậy, năm 2015, tỉnh vẫn đặt mục tiêu trồng 14.000 ha rừng, trong đó trồng rừng tập trung 13.500 ha; trồng cây phân tán 500 ha. Hiện, các địa phương đã trồng được trên 2.300 ha,” ông Khoa thành thật.

Là đơn vị được giao bảo vệ và trồng rừng, ông Nguyễn Hữu Tình, Phó Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình, cho biết đơn vị hiện đang được giao quản lý 39.000 ha rừng tự nhiên phòng hộ.

Ngoài ra, Ban quản lý còn kiêm nhiệm dự án bảo vệ phát triển rừng trên địa bàn với diện tích rừng trồng phòng hộ hơn 2.000 ha; hỗ trợ rừng trồng sản xuất hơn 1.100 ha.

Thực hiện theo Quyết định 147 về một số chính sách hỗ trợ phát triển rừng sản xuất, Ban quản lý rừng phồng hộ Lâm Bình đã hỗ trợ cho người dân một số cây giống đủ tiêu chuẩn, trong đó cây lát, mỡ và keo là những cây trồng chính.

Theo ông Tình, với hơn 1.100 ha rừng trồng sản xuất, hiện nay đã có khoảng 800 lượt hộ tham gia nhận hỗ trợ trồng và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng hàng năm thường biến động giảm, có thể do thiên tai và sâu bệnh.

“Trong việc trồng rừng này, chúng tôi chỉ thực hiện chức năng hỗ trợ đầu tư sản xuất từ kinh phí của Nhà nước, tuy nhiên công tác trồng rừng bao giờ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, một số nơi mới xảy ra việc cây trồng phát triển kém hiệu quả, hoặc bị chết,” ông Tình thành thật.

Qua ghi nhận thực tế, anh Trần Văn Lâm ở bản Phắt, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình cho biết, anh được Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình giao bảo vệ 50 ha rừng. Cách đây 5-6 năm, tại đây có trồng một số loại cây (xoan, lát, mỡ), nhưng đến nay phần lớn cây mỡ, xoan đều không phù hợp, nên chỉ một thời gian sau đều bị chết.

“Riêng cây lát trồng có vẻ khả quan hơn, nhưng cho đến nay, khả năng phát triển của loại cây này vẫn chậm và không hiệu quả,” anh Lâm nói.

Rừng bị đốt cháy tan hoang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Rừng bị đốt cháy tan hoang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Cây trồng bị chết: Trách nhiệm đổ lên đầu dân?

Nhìn nhận thực tế trên, ông Nguyễn Xuân Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lâm Bình cho biết, cùng với việc bảo vệ rừng phòng hộ, công tác trồng rừng cũng được Chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Trong đó, mỡ và lát là hai loại cây trồng nhiều nhất, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn.

Theo ông Hải, sở dĩ cây lát trồng ở rừng phòng hộ kém phát triển, bởi đây là cây gỗ lâu năm nên khả năng sinh thưởng là rất chậm. Thậm chí, nếu không được chăm sóc đúng kỹ thuật, loài cây này có thể sẽ bị chết.

Không riêng gì Lâm Bình, tại xã Sơn Phú (huyện Na Hang), nhiều hộ dân cũng khẳng định cây lát trồng xung quanh rừng phòng hộ phát triển rất kém. Thậm chí, có những vạt rừng trồng lát theo dự án 327, nhưng đến nay dường như không một cây nào tồn tại.

“Từ năm 2012, huyện Na Hang có giao cho bà con khoảng 30 ha đất rừng trồng lát, nhưng đến giờ lát không còn cây nào sống nên đất bỏ không. Giao cho kiểm lâm thì người dân phá hết, lấy gì mà quản lý. Cứ kiểu này thì chỉ có tốn tiền nhà nước,” ông Hà Văn Kiến ở xã Sơn Phú, huyện Na Hang buồn rầu nói.

Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang thừa nhận việc một số nơi cây lát trồng bị chết, hay phát triển kém là có.

“Vừa qua đoàn đại biểu Quốc hội đã giám sát và xác nhận có chuyện cây lát phát triển kém hiệu quả và bị chết tại một số diện tích ở huyện Na Hang. Trên cơ sở đó, ban quản lý cơ sở cũng đã cấp cây giống cho người dân trồng lại,” ông Khoa thông tin.

Lãnh đạo Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang cũng cho biết, nguyên nhân các khu rừng trồng cây lát bị chết là do bà con trồng không đảm bảo theo đúng yêu cầu, hoặc trồng chậm, gây ảnh hưởng đến cây giống. Việc này đã dẫn đến một số khu rừng không đảm bảo.

Có chung nhận định, ông Nguyễn Hữu Tình, Phó Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình cũng xác nhận, việc cây lát bị chết là do người dân làm không đúng kỹ thuật, chăm sóc không đúng thời điểm.

Ngoài ra, công tác bảo vệ rừng cũng chưa tốt dẫn đến trâu bò phá hoại. “Đây cũng là hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rừng có chất lượng kém, không đủ tiêu chuẩn nghiệm thu theo quy định,” ông Tình nói.

Theo báo cáo 127/BC-CCLN của Chi cục Lâm nghiệp Tuyên Quang, tính đến hết năm 2014, toàn tỉnh dự kiến khai thác được 390.000m3 gỗ rừng trồng, đạt 87,6% kế hoạch; và 22.100 tấn tre, nứa, đủ cung ứng cho các cơ sở chế biến nguyên liệu trên địa bàn.

Mặc dù vậy, tại báo cáo này, lãnh đạo Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ ra một số khó khăn như diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp vi phạm, thu hẹp do sử dụng sai mục đích và chuyển đổi sai mục đích sử dụng rừng.

Bên cạnh đó, sự phối hợp của các cấp ủy chính quyền với lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ rừng có nơi vẫn chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt. Thậm chí, một số nơi vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.