Thủy sản hồ Thủy điện Tuyên Quang đang bị vó đèn tận diệt

ThienNhien.Net – Hồ thủy điện Tuyên Quang diện tích mặt nước gần 8.000 ha, trong đó huyện Lâm Bình quản lý khoảng 4.000ha có nhiều loại thuỷ sản quý hiếm, đặc biệt là các loại cá đặc sản như cá Lăng, cá Chiên, Dầm xanh, Anh Vũ… Thế nhưng, nguồn thuỷ sản dồi dào ấy nay đã cạn kiệt, do bị khai thác theo kiểu tận diệt.

Những năm gần đây, nhiều người dân quanh hồ thủy điện Tuyên Quang đã mua sắm vó đèn với mắt lưới dày, kết hợp với đèn điện công suất lớn để càn quét các loại cá nhỏ, kể cả những con cá bột mới vài tuần tuổi bởi các loại vó có diện tích khoảng 50 m2, cho đến loại lớn lên đến 500 m2.

Hình thức khai thác này không những vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mà còn đẩy các loài thuỷ sản trong hồ đến nguy cơ tận diệt.

Theo khảo sát của chúng tôi, ngư dân dùng vó đèn để khai thác thủy sản trên hồ thủy điện Tuyên Quang nhiều nhất là khu vực eo ngách Bản Cài, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình với 6 vó đèn đánh bắt cá mang tính chất hủy diệt.

Những người dân các xã vùng hồ thuộc huyện Lâm  Bình, thường thả vó lúc 19h tối. Sau khi lưới được thả xuống đáy hồ thì ngư dân sẽ thắp các bóng đèn công suất từ 100 W trở lên để dụ cá về, đến 3 giờ sáng cất lưới.

Các loại cá chủ yếu là cá mương, cá mè, cá ngão, tép dầu… Đây là hình thức đánh bắt mà hơn chục năm trước đây, khi hồ Thủy điện còn nhiều cá lớn, người dân chẳng bao giờ nghĩ tới.

Bóng đèn công suất lớn để dụ cá vào lưới. (Ảnh: Báo Lao động)
Bóng đèn công suất lớn để dụ cá vào lưới. (Ảnh: Báo Lao động)

Ông Hải Hoa, thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm – cho biết: “Mỗi đêm thường cất vó 2 lần, mỗi lần được khoảng 60kg đến 100kg  cá các loại, bán được khoảng 500.000 đến 1.000.000 đồng. Vùng này nước ngập hết, cuộc sống mưu sinh không có gì nữa nên chỉ biết đi cất vó đèn. Nghề này vất vả nhưng không có cái ăn nên phải làm. Cũng biết là gây thiệt hại nguồn thủy sinh nhưng không làm thì không có gì để sống”.

Còn ông Hỏa Văn Pháp, thôn Nà Tông – chia sẻ, để đầu tư một vó đèn có diện tích khoảng 500 m2, họ phải bỏ ra khoảng 30 triệu đồng. Gia đình ít tiền thì làm một, hai vó. Để có tiền đầu tư, nhiều người phải vay lãi hoặc mang bán, thế chấp tài sản. Vì vậy, họ phải cật lực đánh bắt để nhanh chóng thu vốn và sinh lãi, bất chấp các qui định của Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.

Tận diệt cá hồ

Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân cho biết, nếu bắt bằng vó đèn một bát con cá bột chỉ to bằng đầu tăm thế này chỉ mang về chăn nuôi lợn, nhưng vài tháng hoặc một năm khi chúng lớn lên cũng được cả rổ.

Mắt lưới của vó đánh cá nhỏ có thể tận diệt cá con bằng que tăm. (Ảnh: Báo Lao động)
Mắt lưới của vó đánh cá nhỏ có thể tận diệt cá con bằng que tăm. (Ảnh: Báo Lao động)

Những chiếc vó đèn đã nhanh chóng phát triển chỉ trong một thời gian ngắn. Lúc cao điểm, trên hồ Thủy điện địa bàn huyện Lâm Bình quản lý có gần 100 chiếc vó đèn hoạt động, thời điểm ít nhất cũng có 60-70 chiếc, tập trung nhiều ở vùng hồ xung quanh các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, khu vực đầu cầu Chóm giáp với huyện Na Hang.

Dù tình trạng đánh bắt rõ như ban ngày, nhưng khi trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo UBND huyện Lâm  Bình – cho biết: “UBND huyện Lâm Bình chưa có văn bản chỉ đạo các ngành và địa phương ngăn chặn loại hình khai thác hủy diệt này, với nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do huyện mới thành lập còn bề bộn công việc”.

Cá nhỏ bị đánh bắt theo kiểu tận diệt. (Ảnh: Báo Lao động)
Cá nhỏ bị đánh bắt theo kiểu tận diệt. (Ảnh: Báo Lao động)

Không chỉ dùng vó, lưới để đánh cá, nhiều hộ dân ở Thượng Lâm, Khuôn Hà (Lâm Bình) còn dùng máy kích điện để đánh bắt cá. Được biết, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì họ nhanh chóng cất giấu các dụng cụ, sau khi lực lượng chức năng về, họ lại mang ra đánh bắt cá theo kiểu hủy diệt.

Trước đây, Hồ Thủy điên Tuyên Quang cho sản lượng cá tự nhiên trên 7.000 tấn/năm, cung cấp cho cả huyện lân cận Chiêm Hóa, Na Hang, Bắc Mê (Hà Giang). Tuy nhiên, những năm gần đây nguồn thủy sản gần như cạn kiệt, dù mỗi năm hàng triệu con cá giống vẫn được chính quyền địa phương thả xuống.

Mặc dù đã tuyên truyền, vận động, xử lý nhiều lần nhưng nhiều người dân ở đây vẫn không có ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà vẫn khai thác theo kiểu hủy diệt.