Châu Á: “Nghĩa địa” của các tàu thủy

ThienNhien.Net – Sau khi không thể sử dụng được nữa và đến lúc phải phá dỡ, đa số các tàu thủy trên thế giới được đưa đến khu vực Châu Á.

Xưởng tháo dỡ tàu thủy cũ tại Ấn Độ. (Ảnh: AFP)
Xưởng tháo dỡ tàu thủy cũ tại Ấn Độ. (Ảnh: AFP)

Sau khi không thể sử dụng được nữa và đến lúc phải phá dỡ, đa số các tàu thủy trên thế giới được đưa đến khu vực Châu Á. Bởi vì nơi đây có các công xưởng giá rẻ, không quan tâm nhiều đến vấn đề môi trường và an toàn, RFI đưa tin.

Theo tổ chức phi chính phủ “Hiệp sĩ rừng xanh – Robin des Bois”, mỗi tuần, có 20 tàu biển cũ được đưa đi phá dỡ, như vậy, mỗi năm có khoảng một ngàn tàu. Trong ba tháng đầu năm 2015, 257 tàu chở hàng và tàu chiến được đưa tới các công xưởng để phá dỡ, cho phép tái sử dụng 2,34 triệu tấn thép.

Nhưng Chủ tịch “Hiệp sĩ rừng xanh” Jacky Bonnemains lưu ý, số tàu phá dỡ này cũng tạo ra “100.000 tấn chất thải độc hại cần quản lý”.

Thời hạn trung bình khai thác một con tàu là 28 năm. Khi phá dỡ tàu, ngoài sắt thép, còn có nhiều chất độc hại như amiante, chì, bùn cặn dầu, chất polycholorobiphényle – PVC …

Ví dụ, trên một con tàu chở dầu dài 300 m, có tới 24 tấn sơn độc hại ở bên ngoài vỏ tàu chống rong rêu, hà, tảo, khoảng 2000 tấn bùn cặn dầu và từ 6 đến 8 tấn amiante nguyên chất.

Trong quý một 2015, chỉ có 7 tàu thủy được phá dỡ tại các công trường ở Châu Âu. Hàng năm, 90% số tàu cũ cần phá dỡ được đưa tới Châu Á, như Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, hay Pakistan. Bởi vì, Châu Á cần sắt thép, giá mỗi tấn là 400 euro, còn tại Châu Âu thì chỉ là 200 euro.

Nhưng đặc biệt là giá nhân công rẻ, các quy định về an toàn, quản lý chất thải độc hại không chặt chẽ như ở Châu Âu.

Do vậy, công nhân có nguy cơ bị ngạt trong những khoang tàu, bồn chứa dầu không được thông gió tốt, có thể bị thương do các chất phế thải phát nổ, dầu cặn bốc cháy, mắc phải một số bệnh truyền nhiễm do chuột bọ trên tàu hoặc những thứ độc hại khác lưu cữu trên những con tàu cũ kỹ.

Tháng Sáu năm 2014, tại Ấn Độ, 5 công nhân đã tử nạn và khoảng một chục người khác bị thương do bồn chở dầu của tàu Perintis phát nổ lúc phá dỡ.

Ngoài các nguy hiểm tức thời, công nhân làm việc trên công trường có nguy cơ mắc nhiễm các loại bệnh khác do tiếp xúc với amiante, hoặc những chất phóng xạ. Theo một nghiên cứu của Ấn Độ, trong 30 năm qua, tại nước này, đã có 470 trường hợp tử vong trên các công trường phá dỡ tàu.

Từ nhiều năm nay, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và con người đã đòi phải có những quy định đặc thù trong lĩnh vực phá dỡ tàu thủy, như áp dụng Công ước Hồng Kông về việc tái sử dụng chắc chắn và hợp lý về mặt môi sinh các con tàu cũ.

Tuy nhiên, văn bản này chỉ có hiệu lực nếu được 15 nước phê chuẩn và chiếm 40% tổng số tàu thủy trên thế giới. Cho đến nay, mới chỉ có 3 nước ký là Na Uy, Pháp và Cộng hòa Congo (Congo Brazzaville). Châu Âu đã có quy định về tái sử dụng tàu cũ, nhưng chỉ áp dụng đối với những con tàu mang cờ các nước Châu Âu.