Quản lý hiệu quả tài nguyên nước

ThienNhien.Net – Việt Nam đang trong quá trình CNH, HĐH, nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh ngày càng lớn. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước vẫn tiếp tục gia tăng; nguồn lực đầu tư cho quản lý, bảo vệ tài nguyên nước (TNN) không đáp ứng yêu cầu, cũng như hệ thống pháp luật về TNN thiếu đồng bộ… đang là những thách thức không nhỏ trong phát triển kinh tế -xã hội và bảo vệ nguồn TNN có hiệu quả.

Cục trưởng Quản lý TNN (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Bảy cho biết: Mặc dù Việt Nam có 108 lưu vực sông, với 3.450 sông, suối tương đối lớn, với tổng lượng nước trung bình hằng năm khoảng 830 tỷ m 3 , song chủ yếu từ nước ngoài chảy vào.

Trong khi đó, lượng nước nội sinh chỉ chiếm khoảng 37% tổng lượng nước, bình quân đầu người chỉ đạt 9.000 m 3 /năm. Nước dưới đất dù có tiềm năng, ước tính khoảng 63 tỷ m 3 /năm, nhưng chủ yếu tập trung ở một số khu vực như đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên.

Trước yêu cầu khai thác, sử dụng bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, trong những năm qua, công tác quản lý TNN ở Việt Nam không ngừng được tăng cường và đã có những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực này. Cụ thể như, Việt Nam đã ban hành Luật TNN (năm 1998); thành lập Bộ TN và MT và các Sở TN và MT tỉnh, thành phố để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về TNN.

Đồng thời, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về TNN, cũng như tăng cường công tác đào tạo và nguồn nhân lực về TNN luôn được các cấp quan tâm và coi trọng… Có thể nói rằng, Luật TNN (năm 1998) đã thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan lĩnh vực TNN, đưa Việt Nam hòa vào quỹ đạo chung của thế giới theo hướng tiếp cận quản lý TNN tổng hợp.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thực hiện Luật, cùng với những thay đổi về chính sách phát triển quốc gia, xu thế phát triển toàn cầu; nguy cơ chịu tác động của biến đổi khí hậu, cũng như các tác động của việc khai thác, sử dụng nước thượng lưu của sông liên quốc gia… Vì vậy, Luật TNN bộc lộ nhiều nhược điểm, bất cập cần có sự thay đổi.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý TNN, cũng như khắc phục những nhược điểm, bất cập nêu trên, ngày 21-6-2012, Quốc hội đã thông qua Luật TNN (sửa đổi). Theo đó, một trong những nguyên tắc quản lý TNN được quy định trong Luật là “Việc quản lý TNN phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính” và “TNN phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng nước; giữa nước mặt và nước dưới đất; nước trên đất liền và nước vùng cửa sông, nội thủy, lãnh hải; giữa thượng lưu và hạ lưu, kết hợp với quản lý các nguồn tài nguyên khác”.

Luật đã thể chế các quy định, biện pháp cụ thể để thực hiện phương thức quản lý tổng hợp TNN trong các quy hoạch, bảo vệ khai thác, sử dụng TNN và phòng chống tác hại do nước gây ra… Đáng chú ý, nước đã được coi là sản phẩm hàng hóa; các hoạt động bảo vệ, phát triển TNN được thực hiện theo hướng xã hội hóa; đồng thời có những chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các dịch vụ về nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả…

Để hiện thực hóa và từng bước đưa Luật TNN (sửa đổi) đi vào cuộc sống, trong năm 2014, Bộ TN và MT đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông Hồng, Ba, Vu Gia – Thu Bồn, Sê San, Sê-rê-pốc, Hương, Mã, Cả, Kôn – Hà Thanh, Trà Khúc và Đồng Nai. Công tác cấp phép, thanh tra, kiểm tra định kỳ hằng năm được triển khai đồng bộ từ cấp T.Ư đến địa phương, bước đầu thu được một số kết quả đáng khích lệ…

Đối với nguồn nước liên quốc gia, Việt Nam có chính sách hợp tác chia sẻ lợi ích, bảo đảm công bằng, hợp lý trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển TNN và phòng, chống tác hại do nước gây ra trên nguyên tắc bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia. Bộ TN và MT đã trình Chính phủ gia nhập Công ước về Luật Sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy và được Chủ tịch nước ký Quyết định gia nhập Công ước này. Đây được coi là nền tảng pháp lý thuận lợi để Việt Nam xúc tiến đàm phán, ký kết các thỏa thuận song phương và đa phương với các quốc gia về hợp tác, giải quyết tranh chấp, bất đồng trong bảo vệ, khai thác, sử dụng các nguồn nước chung…

Thứ trưởng TN và MT Nguyễn Thái Lai cho rằng: Thực tế cho thấy, công tác bảo vệ TNN ở Việt Nam hiện còn một số khó khăn như: Chúng ta chưa quy định được mức dòng chảy tối thiểu đối với nước mặt trên các lưu vực sông lớn và ngưỡng giới hạn khai thác của tầng chứa nước ở các vùng trọng điểm.

Hoạt động quản lý, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước mới tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị và các đoạn sông chung quanh thành phố và khu công nghiệp, việc kiểm soát chất lượng nước và ô nhiễm nước ở các vùng nông thôn chưa được quan tâm thỏa đáng. Quá trình CNH, HĐH diễn ra nhanh đã phát sinh nhiều vấn đề khó khăn cho công tác bảo vệ TNN, trong khi đó nhiều địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức, chưa có tầm nhìn tổng thể, dài hạn; ý thức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về bảo vệ TNN còn hạn chế, nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề…

Vì vậy, thời gian tới, Bộ TN và MT tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Luật TNN (sửa đổi) năm 2012; thành lập Ủy ban lưu vực sông để tăng cường công tác điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN, phòng, chống tác hại do nước gây ra trên một số lưu vực sông lớn, quan trọng. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác sử dụng nước, xả nước thải, bảo vệ số lượng nước, chất lượng nước; kiểm soát chặt các hoạt động phòng, chống ô nhiễm suy thoái, cạn kiệt các nguồn nước ngay từ khi triển khai đầu tư các dự án phát triển. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TNN, nhất là xây dựng cơ chế quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước và cơ chế chia sẻ thông tin phục vụ quản lý nguồn nước liên quốc gia; nâng cao năng lực quản lý ở các cấp, năng lực đàm phán liên quan nguồn nước liên quốc gia, năng lực ứng dụng khoa học công nghệ.

Nâng cao nhận thức của cộng đồng và có chính sách phù hợp để thu hút cộng đồng, các tổ chức, các doanh nghiệp tham gia vào việc bảo vệ TNN.