Vụ nhà máy Vĩnh Tân 2: Di dời dân ra khỏi vùng ô nhiễm

ThienNhien.Net – Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho biết đang tính toán phương án di dời dân ra khỏi vùng ô nhiễm tại bãi thải xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận (bìa trái) trao đổi với người dân sáng 23/4 (Ảnh Tuổi trẻ).
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận (bìa trái) trao đổi với người dân sáng 23/4 (Ảnh Tuổi trẻ)

Ngày 23/4, đoàn công tác của UBND tỉnh Bình Thuận đã đến kiểm tra hiện trường khắc phục ô nhiễm tại bãi xỉ thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (huyện Tuy Phong, Bình Thuận).

Được dẫn lời trên báo Tuổi trẻ, ông Lê Tiến Phương, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, việc ô nhiễm tại Vĩnh Tân đã đẩy dân vào tình thế bức xúc, dân phản ứng là xác đáng, dẫn đến phát sinh chuyện người dân ra chặn quốc lộ 1. Trong cuộc xung đột vừa qua không chỉ đổ mồ hồi mà còn đổ máu. 17 chiến sĩ, cán bộ bị thương. Các mặt nạ chống bạo loạn bị quăng đá gãy gần hết”.

Ông Phương cũng cho biết, tình hình lúc đó dù rất căng thẳng nhưng tỉnh vẫn chỉ đạo lực lượng an ninh không trấn áp người dân khi họ đang bức xúc.

Theo ông Lê Tiến Phương, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao cho lãnh đạo huyện Tuy Phong lập phương án di dời dân bị ảnh hưởng ra khỏi vùng ô nhiễm. Nếu có phát sinh vấn đề vướng mắc huyện Tuy Phong cần báo rõ để UBND tỉnh để xin ý kiến Tỉnh ủy.

Về công tác khắc phục ô nhiễm, theo tin tức trên báo Thanh niên, lãnh đạo nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cho biết, tính đến chiều 23/4, nhà máy đã lu lèn, che phủ bằng bạt được 14,6 ha (còn lại khoảng 0,7 ha); thuê đơn vị kỹ thuật từ Vũng Tàu đến thi công đường ống dẫn nước dài gần 4.000 m từ khu chứa nước giảm nhiệt bên trong nhà máy, kéo đến tận bãi xỉ. Nước được bơm vào hồ chứa, sau đó dùng bơm cao áp tưới lên bãi xỉ.

“Sang tháng 5, nguồn nước từ hồ Đá Bạc được thông suốt nối vào hệ thống xử lý của nhà máy. Khi ấy, đường chuyên dụng cho xe chở xỉ của nhà máy qua QL1 cũng xong thì vấn đề ô nhiễm cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ vẫn là phải xây dựng các nhà máy tiêu thụ xỉ than, làm phụ gia cho xi măng, làm vật liệu xây dựng thì mới khắc phục triệt để ô nhiễm bãi xỉ than”, ông Phương nói.