Đối thoại để lắng nghe tiếng dân

ThienNhien.Net – Ngày 14.4, người dân ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận) đã kéo nhau ra QL1A để phản đối việc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của bà con.

Người dân bức xúc vì đã nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm, nhưng lãnh đạo nhà máy chỉ hứa mà không khắc phục. Thái độ lừng khừng trong việc xử lý gây ô nhiễm của lãnh đạo Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, cộng với việc “đổ tội” cho gió là thủ phạm gây khói bụi mù mịt như “thêm dầu vào lửa”, khiến người dân phải tụ tập gây ách tắc nghiêm trọng QL1A nhiều giờ liền. Chỉ đến khi lãnh đạo nhà máy và cao hơn là TCty Điện lực 3 cam kết thời gian, biện pháp khắc phục ô nhiễm thì người dân mới “giải phóng” QL1A để xe cộ lưu thông.

Không đầy 1 tuần sau, ngày 20.4, người dân TP.Cam Ranh đã đổ tôm, cá chết ra QL1A để phản đối việc chính quyền cho nạo vét thông luồng ở vịnh Cam Ranh, gây ô nhiễm làm chết hàng loạt cá, tôm bà con đang nuôi trong vịnh.

Trước lời hứa đối thoại của chính quyền TP.Cam Ranh tổ chức vào ngày 21.4, với quan điểm “chỉ khi nào đạt được sự thống nhất giữa dân với chủ đầu tư thì dự án mới được triển khai”, người dân mới “trả lại” lưu thông trên quốc lộ huyết mạch này.

Ở một vụ khác, người dân ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) chỉ đồng ý khi chính quyền lấy con đường dân sinh để làm vườn hoa, khu vui chơi, chứ không thể phân lô, bán nền. Đơn của bà con gửi chính quyền, chưa có hồi âm thì doanh nghiệp đã thi công, khiến người dân phải chọn cách phản đối số đông. Để rồi, chính quyền quận Ngũ Hành Sơn lại phải cho dừng thi công để đối thoại với dân.

“Hiệu ứng đám đông” dường như đang được người dân lựa chọn để phản ứng với những việc chưa được người dân đồng thuận. Có những cá nhân đã lợi dụng “hiệu ứng đám đông” để kích động dẫn đến sự việc “bé được xé thành to” – điều đó là không thể tránh khỏi hiệu ứng kích động ở đám đông.

Đối thoại với dân để làm rõ “được-mất, đúng-sai” – tại sao chính quyền cơ sở lại không làm, để rồi sự việc xảy ra mới tiến hành đối thoại, mới khắc phục hậu quả?

Đối thoại với dân đã được nhiều cấp lãnh đạo chính quyền lựa chọn – đó là cách nhanh nhất để gỡ các vướng mắc trong dân. Chỉ một khi cán bộ chính quyền cơ sở tôn trọng phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” thì chắc không có những chuyện người dân phải tụ tập đông người để phản đối như đã từng xảy ra trong thời gian gần đây.

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa: “Người ta im lặng mới đáng ngại”

220415_anh Khi người dân tìm cách phản biện lại các quyết sách, hay phản ứng trước hoạt động kinh doanh bất chấp ảnh hưởng đến môi trường của các Cty…, tất cả đều thể hiện chủ thể người dân bắt đầu trưởng thành. Họ không phải là người bị tác động một cách thụ động, mà hành động như những công dân tích cực. Đây cũng là biểu hiện mang tính tích cực của xã hội công dân, nơi người dân có quyền nói lên tiếng nói của họ. Chuyện người dân biểu tình, đấy là một trạng thái xã hội như một phong vũ biểu đo tinh thần, thái độ của người dân đối với người cầm quyền, với những người tác động tới họ. Nhìn vào đó, người ta biết được việc điều hành của giới lãnh đạo ra sao. Khi người dân còn phản ứng nghĩa là họ còn có tác động tích cực đến lãnh đạo, còn có cái để tin rằng họ đang đóng góp để giúp xã hội thay đổi. Còn nếu người ta im lặng thì mới đáng ngại, vì điều này thể hiện sự bất hợp tác rõ nhất. M.T