San lấp kênh rạch trái phép làm nhà, Sài Gòn tăng nguy cơ “thành sông“

ThienNhien.Net – Tại một số các dự án BĐS có vị trí ven sông ở TPHCM, để có view sông thoáng mát, thơ mộng – yếu tố làm tăng giá trị BĐS, chủ đầu tư không ngại lấn chiếm hành lang an toàn sông, rạch. Hàng nghìn hộ dân sống gần những khu vực này đang lo lắng về nguy cơ mùa mưa lũ năm nay sẽ bị ngập nghiêm trọng hơn so với những năm trước.

Cty Riviera Point lấn chiếm rạch nhưng không xây hồ điều tiết trong dự án theo yêu cầu của chính quyền. (Ảnh: Thanh Vy)
Cty Riviera Point lấn chiếm rạch nhưng không xây hồ điều tiết trong dự án theo yêu cầu của chính quyền. (Ảnh: Thanh Vy)

Ngang nhiên san lấp trái phép

Theo hồ sơ báo cáo chuyên đề giao đất, triển khai thực hiện dự án… trên địa bàn Q.7 và H.Bình Chánh, TPHCM thì trong quá trình triển khai dự án Riviera Point (quận 7), chủ đầu tư của dự án là Cty TNHH Riviera Point đã ngang nhiên tiến hành san lấp gần 5.000m2 rạch Cả Cấm để mở đường nhánh N1 nối từ cầu Phú Thuận vào khu căn hộ Riviera Point.

Điều đáng nói là mặc dù dự án khởi công từ đầu năm 2012 và nằm sát bên UBND Q.7, nhưng việc lấp rạch chỉ được phát hiện vào đầu năm 2013 khi Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán chuyên đề giao đất, triển khai thực hiện dự án… trên địa bàn Q.7 và H.Bình Chánh.

Cũng trên địa bàn huyện Nhà Bè, rạch TT6 là một nhánh của sông Nhà Bè, rộng chừng 20m.

Con rạch này có chức năng thoát nước cho khu vực dân cư đường Huỳnh Tấn Phát, Đào Tông Nguyên và thoát nước mưa cho khu vực dân cư rộng lớn thuộc thị trấn Nhà Bè, xã Phú Xuân. Nhưng con rạch này đã bị hai dự án phát triển nhà ở ngang nhiên san lấp.

Khi triển khai dự án khu dân cư Sài Gòn Mới, CTCP BĐS Sài Gòn Mới (thành viên CTCP Vạn Phát Hưng) đã tự ý san lấp đoạn rạch với diện tích gần 12.000m2 để phân lô bán nền. Bên cạnh đó, Tổng kho Xăng dầu C (trực thuộc Cty xăng dầu khu vực 2) san lấp, xây dựng nhà xưởng. Sự việc chỉ được phát hiện khi người dân phản ánh với chính quyền địa phương về tình trạng ngập nặng mỗi khi trời mưa, mà không rõ nguyên nhân.

Biết sai nhưng không sửa

Năm 2004, UBND TP đã ban hành Quyết định 150/2004/QĐ-UB. Tiếp đến là chỉ thị 09/2010 một lần nữa giao trách nhiệm của UBND quận/huyện là tổ chức rà soát, đảm bảo chỉ giới đường sông, suối, kênh, rạch; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi san lấp, lấn chiếm… nhưng tình trạng vi phạm vẫn tràn lan.

Cuối năm 2013, UBND huyện Nhà Bè ra quyết định xử phạt Cty CP bất động sản Sài Gòn Mới 65 triệu đồng và buộc khôi phục tình trạng của rạch như trước khi vi phạm. Cty không chấp hành. Do DN trên quá trây ỳ, nên UBND thị trấn Nhà Bè phải xin ý kiến UBND huyện về kế hoạch thực hiện cưỡng chế.

Còn tại dự án Riviera Point, mặc dù đã được thành phố cho phép khắc phục sai phạm san lấp bằng việc buộc Cty Riviera Point phải xây hồ điều tiết trong dự án, thế nhưng từ tháng 7.2013 (thời điểm thành phố yêu cầu thực hiện) đến nay công ty vẫn chưa tiến hành xây dựng.

Tại TP.Hồ Chí Minh, hệ thống kênh rạch giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết dòng chảy. Tuy nhiên, theo thống kê của số liệu từ Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (ĐH CN TP.Hồ Chí Minh), trên 30% số kênh, rạch của TP đã bị lấn chiếm và 15% đã bị san lấp hoàn toàn trong những năm qua.

Ngang nhiên “xẻ thịt” trái phép đất công viên làm dự ánSở Xây dựng TPHCM cho biết, qua kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng của Cty cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI) trên địa bàn TPHCM, kết quả đã phát hiện hàng loạt dự án đã bị đơn vị này tự ý “xẻ thịt” đất công viên xây dựng trái phép sân tennis, quán càphê, bãi giữ xe ôtô, siêu thị. Đó là dự án khu dân cư An Lạc – Bình Trị Đông, Q.Bình Tân (khu A, B); Dự án khu phố chợ cây Da Sà; Dự án khu tái định cư Bình Hưng (huyện Bình Chánh). Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo cơ quan chức năng cưỡng chế tháo dỡ khôi phục lại đúng quy hoạch được duyệt trước ngày 30.6.2015.

Gia Miêu