Gây ô nhiễm vì không theo báo cáo ĐTM

ThienNhien.Net – Nhà máy không thực hiện các yêu cầu bảo vệ môi trường trong điều kiện nắng nóng hay mưa bão.

“Theo tôi, do doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, nghiêm túc các giải pháp bảo vệ môi trường ở nhà máy và các khu dân cư xung quanh theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt”. Ông Mai Thanh Dung, Phó Tổng cục Môi trường Bộ TN&MT, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM hôm 17-4 khi đề cập đến câu chuyện ô nhiễm ở Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (huyện Tuy Phong, Bình Thuận).

Không thể đổ lỗi cho trời

–  Phóng viên: Theo Công ty Phát điện 3 (GENCO 3), nhà máy điện có hệ thống lọc bụi tĩnh điện nhưng sao khói bụi vẫn phát tán gây ô nhiễm thì phải chăng có sự không phù hợp?

20042015_gayonhiemvikotheobaocaodtm+ Ông Mai Thanh Dung (ảnh): Với công nghệ hiện nay, việc xử lý khói bụi từ nhà máy điện than bằng hệ thống lọc tĩnh điện không khó. Đây là hệ thống đã được lắp đặt ở nhiều nhà máy điện than nhưng thực tế Nhà máy Vĩnh Tân 2 không thực hiện theo ĐTM nên gây ra ô nhiễm. Cạnh đó, phải coi lại nhà máy có lắp đặt đủ, đúng loại thiết bị lọc không, có đạt yêu cầu không.

. Còn về lý do gió lốc xảy ra lúc khô hạn nắng nóng kéo dài và thiếu nước gây ra “bão xỉ” thì sao, thưa ông?

+ Nói như vậy là không được vì trong ĐTM được Bộ TN&MT thẩm định và phê duyệt đã có yêu cầu trong các điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hoặc lạnh, ẩm… nhà máy phải có giải pháp bảo vệ môi trường phù hợp ở nhà máy, bãi đổ và cả trên đường vận chuyển. Nhà máy không áp dụng hoặc áp dụng không đầy đủ các giải pháp đó và gây ra ô nhiễm thì phải bị xử phạt thôi.

–  Nhưng theo GENCO 3, do đường công vụ phục vụ cho vận chuyển tro xỉ đang thi công nên phải mượn tạm quốc lộ 1 và đường dân sinh để đi nên mới xảy ra cớ sự?

+ Không thể nói như thế. Dù có mượn đường thì cũng phải có phương án bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ môi trường cho các tuyến đường đó. Có các phương án thì cơ quan quản lý đường bộ và môi trường mới cho đi. Thực tế, qua các đợt kiểm tra và xử phạt của Tổng cục Môi trường và Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận từ cuối năm 2014 đến nay cho thấy việc thu gom, đổ xỉ thải chưa đúng nơi quy định, xe chở xỉ chưa phủ kín bạt, để xỉ rơi vãi, chưa có xe tưới chuyên dụng…

Ô nhiễm kéo dài đến khi dân phản ứng thì nhà máy mới che chắn bãi xỉ lộ thiên khổng lồ. (Ảnh: PN)
Ô nhiễm kéo dài đến khi dân phản ứng thì nhà máy mới che chắn bãi xỉ lộ thiên khổng lồ. (Ảnh: PN)

Dân có quyền đòi bồi thường

– Việc Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây ô nhiễm đã được Bộ TN&MT cùng địa phương xử phạt thì các ô nhiễm gây ra thiệt hại cho người dân được giải quyết ra sao, thưa ông?

+ Theo Luật Bảo vệ môi trường 2014 (có hiệu lực từ đầu năm 2015 – PV), người dân có quyền khiếu nại, khởi kiện khi bị thiệt hại bởi người, tổ chức gây ô nhiễm môi trường. Thời hiệu khởi kiện được tính từ thời điểm phát hiện thiệt hại. Ở Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, ngoài các căn cứ là kết quả từ các đợt xử phạt vi phạm hành chính do Bộ TN&MT và Sở TN&MT thực hiện vừa qua, người dân cần chứng minh, giám định mức độ thiệt hại (về vật chất, sức khỏe và tinh thần) để làm cơ sở khiếu nại, khởi kiện đòi bồi thường.

–  Nhưng ai sẽ là người giám định mức độ thiệt hại cho người dân và trình tự, thủ tục khiếu nại, khởi kiện nên như thế nào?

+ Có thể là cơ quan quản lý nhà nước hoặc một tổ chức độc lập được người dân và nhà máy đồng thuận lựa chọn giám định thiệt hại. Từ kết quả này, người dân có thể yêu cầu nhà máy bồi thường. Nếu giữa nhà máy và người dân không đạt thỏa thuận thì người dân có quyền khiếu nại lên xã, huyện. Nếu vượt thẩm quyền thì sự việc phải được xã, huyện báo cáo, chuyển đơn lên tỉnh để giải quyết cho người dân. Trường hợp nhà máy không chịu bồi thường thì người dân có quyền khởi kiện ra tòa.

–  Xin cám ơn ông.

“Núi” nix thải ở Khánh Hòa giờ ra sao?

Ngày 17-4, ông Mai Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, cho biết bãi nix thải gần 1 triệu tấn của Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin (HVS) ở thị xã Ninh Hòa đang được giải phóng bằng việc bán cho các nhà máy xi măng làm phụ gia. “Hạt nix thải rẻ hơn sử dụng quặng sắt nên việc bán nix thải cho nhà máy xi măng để giải phóng nguy cơ ô nhiễm môi trường là có lợi nhất so với giải pháp được đưa ra trước đây” – ông Thắng nói.

“Núi” nix thải của Hyundai Vinashin ở tỉnh Khánh Hòa gây xáo trộn cuộc sống người dân trong nhiều năm. (Ảnh: CTV)
“Núi” nix thải của Hyundai Vinashin ở tỉnh Khánh Hòa gây xáo trộn cuộc sống người dân trong nhiều năm (Ảnh: CTV)

Đại diện HVS, ông Trần Văn Vĩnh, cho biết đơn vị đang cung cấp nix thải cho hai nhà máy sản xuất xi măng ở miền Bắc. Hiện đã đã giải phóng được gần 150.000 tấn, dự kiến 4-5 năm nữa xử lý hết bãi nix thải. “Hiện khi mở các tấm bạt che để bốc dỡ, vận chuyển nix thải xuống tàu có ảnh hưởng đến môi trường nhưng không đáng kể do dỡ tới đâu lấy tới đó” – ông Vĩnh nói.

Trước đây, HVS nhập xỉ đồng (hạt nix) để sửa chữa tàu biển và thải ra gần 1 triệu tấn. Sau đó HVS đã thay đổi công nghệ không sử dụng hạt nix nhưng “núi” nix tồn đọng gây ô nhiễm cho người dân khu vực, làm đau đầu các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa trong nhiều năm liền. Cuối năm 2008, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu đến cuối năm 2010 phải giải quyết hết chúng. Sau đó Bộ TN&MT, UBND tỉnh Khánh Hòa nhiều lần yêu cầu HVS xử lý dứt điểm bãi nix thải nhưng HVS không tìm được giải pháp.

TẤN LỘC