Hàng trăm cây thông bỗng dưng “chết đứng”

ThienNhien.Net – Sáng 17-4, có mặt tại tiểu khu 262a, khu vực xã Phi Tô, giáp ranh xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), chúng tôi chứng kiến hàng trăm cây thông hơn 17 năm tuổi bị khô lá, “chết đứng” từng vạt; nhiều cây vừa bị đốn hạ, gốc còn ứa nhựa.

Thông bị đốn hạ chờ đưa ra khỏi rừng. (Ảnh: Nhân Dân)
Thông bị đốn hạ chờ đưa ra khỏi rừng. (Ảnh: Nhân Dân)

“Cánh rừng” nghiêng ngả

Khảo sát quanh khu vực này, chúng tôi phát hiện, rất nhiều cây thông (đường kính gốc từ 30 cm đến 40 cm) bị “ken” gốc, đang “gượng sống”, nhiều cây đã đổ nghiêng, lá không còn màu xanh. Nhìn bao quát, có thể cho rằng, đây là khoảnh rừng “rỗng ruột”.

Những gốc thông hơn 17 năm tuổi đang ứa nhựa. (Ảnh: Nhân Dân)
Những gốc thông hơn 17 năm tuổi đang ứa nhựa. (Ảnh: Nhân Dân)

Trên con đường dẫn vào tiểu khu này, ngổn ngang những khúc gỗ thông (hơn 2 m), đang chờ… đưa ra khỏi rừng!? Theo quan sát, gần khu vực rừng thông bị “ken” gốc, đốn hạ, có rất nhiều khoảnh vườn đang canh tác nông nghiệp.

Những vạt thông “chết đứng”. (Ảnh: Nhân Dân)
Những vạt thông “chết đứng”. (Ảnh: Nhân Dân)

Theo nguồn tin của chúng tôi, lô rừng này có diện tích khoảng tám ha, được trồng từ năm 1997, đối tượng rừng sản xuất và một phần diện tích quy hoạch ngoài ba loại rừng (theo quy định của UBND tỉnh Lâm Đồng), do Trạm Quản lý bảo vệ rừng Phi Tô quản lý. Đây là lô rừng “mỏng”, thường được ví von là “cánh rừng”, bề ngang có nơi khoảng 30 m, chạy dọc theo hai bên vườn rẫy của đồng bào dân tộc buôn Chuối, xã Mê Linh.

Khi chúng tôi đang “ghi hình”, bất ngờ, có rất nhiều thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số xuất hiện “bủa vây”. Và, chúng tôi “buộc” phải rời hiện trường.

“Hạ” rừng mở rộng nương rẫy

Tình trạng “ken” cây, chặt phá rừng tại tiểu khu 262a để mở rộng diện tích nương rẫy đã diễn ra khoảng hai, ba năm nay. Còn tình trạng cưa, chặt cây tươi để lấy gỗ vào khoảng tháng 3-2015, trùng thời điểm, có bảy hộ đồng bào dân tộc tại buôn Chuối đang làm nhà.

Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban, ông Lê Hồng Nhân cho biết: “Quả thật, nguồn gỗ làm nhà của các hộ dân này chủ yếu cưa xẻ gỗ thông trái phép tại tiểu khu này. Chúng tôi đã phối hợp, tăng cường công tác tuần tra, ngăn chặn, đồng thời trực tiếp làm việc với thôn, già làng để tuyên truyền Luật Bảo vệ, phát triển rừng. Tuy nhiên, các đối tượng cưa xẻ ban đêm, nên việc ngăn chặn rất khó khăn”.

Theo thống kê, có hơn 600 cây thông bị “ken” chết khô, chặt hạ, trên diện tích khoảng 6.800 m2. Trong đó, diện tích rừng thông bị “ken” chết đứng rải rác từ năm 2012 đến nay khoảng 3.500 m2; diện tích bị chặt phát trắng khoảng 3.300 m2. Toàn bộ diện tích bị thiệt hại phân bổ rải rác trên toàn lô rừng, chủ yếu là khu vực giáp ranh vườn cà phê của bà con đồng bào dân tộc buôn Chuối.

Cây thông bị “ken” gốc đang “gượng sống". (Ảnh: Nhân Dân)
Cây thông bị “ken” gốc đang “gượng sống”. (Ảnh: Nhân Dân)

Theo ông Nhân, ngoài “ken” gốc, chặt phá rừng thông, tình trạng “chích thuốc” (khoan lỗ vào gốc, đổ thuốc hóa học, đậy vỏ lại để ngụy trang), làm cây chết dần, rất khó phát hiện, đến khi cây chết mới biết (khoảng 3 tháng).

“Vụ việc cũng đã được báo cáo “nóng” với lãnh đạo địa phương. Thời gian qua, nếu chúng tôi không tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, có lẽ rừng thông ở đây đã bị hạ trắng”, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban nói.

Không lẽ “bó tay”!?

Hiện, Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Ban có 33 biên chế (10 biên chế văn phòng), thực hiện việc quản lý trên diện tích 23 nghìn ha rừng, thuộc địa bàn 11 xã; trong đó, 13 nghìn ha đã thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Có thể, đưa ra lý do lực lượng quản lý “mỏng”, kiểu phá rừng tinh vi, có mắc võng ở đó cũng khó giữ nổi. Nhưng có lẽ, vẫn còn có các giải pháp khác để giữ rừng… Không lẽ “bó tay”!?