​Giảm thuế nhập khẩu xăng dầu: Không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

ThienNhien.Net – Tại buổi họp báo liên quan đến việc giảm thuế nhập khẩu (NK) đối với xăng dầu do Bộ Tài chính tổ chức ngày 15/4, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết, việc tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) có hiệu lực từ 1/5 tới đây sẽ giúp thu ngân sách (NS) tăng thêm 10.831 tỷ đồng.

Quyết định giảm thuế NK xăng dầu cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

160415_thue

Việc giảm thuế NK xăng dầu theo quy định mới sẽ tác động thế nào tới giá trong nước, thưa ông?

– Việc giảm thuế NK ưu đãi xăng dầu mới theo Thông tư 48/2015/TT – BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 14/4 áp đối với xăng dầu (bao gồm cả các loại xăng dầu sinh học) sẽ giúp giá cơ sở xăng dầu trước mắt không bị ảnh hưởng bởi quyết định tăng thuế BVMT với mặt hàng xăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít (có hiệu lực từ 1/5 tới), bởi 2 sắc thuế này sẽ tương tác với nhau. Với quyết định giảm thuế ưu đãi NK xăng dầu thì ngân sách sẽ giảm thu 13.000 tỷ đồng nhưng khi áp dụng thuế BVMT thì giúp tăng thu 10.381 tỷ đồng.

Việc giảm thuế suất NK có hiệu lực thi hành từ ngày 14/4 nhưng trong quá trình thi hành, nhiều ý kiến cho rằng, ngày 13/4, liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố giá giữ nguyên giá xăng dầu, rồi sang ngày 14 lại giảm thuế là có lợi cho DN đầu mối xăng dầu?

– Tôi khẳng định, việc giảm thuế không mang lại lợi ích cho những DN này. Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu, NK xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ bắt buộc tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng. Thuế BVMT có hiệu lực từ 1/5. Vì vậy, để sắc thuế này không tác động đến giá bán xăng dầu và phù hợp cho chu kỳ điều hành giá sắp tới, Thông tư 48 có hiệu lực từ 14/4, vì thuế NK thì DN phải nộp ngay khi hàng về. Như vậy, cả DN và Nhà nước cùng chia sẻ lợi ích 15 ngày là hợp lý. Việc giảm thuế cũng nhằm thực hiện cam kết quốc tế về thuế NK đối với mặt hàng xăng dầu, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân.

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn lo ngại rằng, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ phải đóng cửa vì liên quan đến chênh lệch về thuế NK xăng dầu từ ASEAN, xăng dầu sản xuất ra sẽ đắt hơn NK, gây bất lợi cho Nhà máy, Bộ Tài chính giải quyết vấn đề này thế nào?

– Trước thời điểm 14/4, thuế NK ưu đãi (MFN) đối với xăng đang là 35% trong khi cam kết về thuế NK ưu đãi đặc biệt trong ASEAN (ATIGA) chỉ là 20%. Mức thuế NK ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Trung Quốc cũng có lộ trình. Tuy nhiên, qua thống kê của Tổng cục Hải quan thì từ đầu năm đến ngày 10/3, không có DN nào NK xăng dầu hưởng ưu đãi ATIGA do vấn đề liên quan đến thiếu tiêu chuẩn xuất xứ C/O mẫu D (để có chứng nhận xuất xứ hàng hóa này cần bỏ ra một khoản chi phí hoặc do nguồn gốc xuất xứ một số nước không đạt tiêu chuẩn như cam kết ASEAN đặt ra). Như vậy, lo ngại của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là chưa có cơ sở.

Theo tính toán, đến hết tháng 4/2015, Nhà máy vẫn hoạt động 100% công suất, bán được hàng bình thường. Tuy nhiên, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn thấy có chênh lệch giữa thuế xăng dầu NK từ ASEAN với mức thuế mà sản phẩm từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phải chịu nên có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh thuế cho Nhà máy để không quá chênh lệch, đảm bảo công bằng sản phẩm trong nước và sản phẩm NK. Việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 48 đã giải quyết được mọi lo ngại của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Thuế NK ưu đãi liệu có tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới, nhất là khi vào cuối năm 2014, Bộ Tài chính đã có văn bản quy định trần thuế NK ưu đãi xăng dầu biểu thuế mới được chia thành 4 bậc thay cho 3 bậc của quy định cũ và dao động từ 15 – 40%?

– Đúng là ngày 4/12/2014, Bộ Tài chính đã ban hành công văn hướng dẫn trần thuế suất NK ưu đãi MFN đối với các mặt hàng xăng dầu. Các mức thuế suất thuế NK ưu đãi nêu tại công văn này là một trong những căn cứ, cơ sở để Bộ Tài chính xem xét, ban hành Thông tư hướng dẫn về mức thuế suất thuế NK ưu đãi cụ thể đối với các mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, mức thuế thời gian tới ra sao, Bộ Tài chính sẽ theo dõi sát tình hình diễn biến thế giới để có những đề xuất cho phù hợp. Chính sách thuế tiếp theo sẽ gắn với giá thế giới, tình hình sản xuất trong nước và diễn biến kinh tế vĩ mô.

– Xin cảm ơn ông!