Khai thác khoáng sản chưa hiệu quả do công nghệ lạc hậu

ThienNhien.Net – Tài nguyên khoáng sản nhỏ lẻ, phân tán khiến cho việc khai thác, quản lý gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, doanh nghiệp áp dụng công nghệ lạc hậu vào khai thác khoáng sản đã không đem lại hiệu quả và kéo theo nhiều hệ lụy như: Ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên…

Công nghệ khai thác khoáng sản lạc hậu dẫn tới việc khai thác không hiệu quả, lãng phí tài nguyên. (Ảnh: ST)
Công nghệ khai thác khoáng sản lạc hậu dẫn tới việc khai thác không hiệu quả, lãng phí tài nguyên. (Ảnh: ST)

Công nghệ lạc hậu

Tại Diễn đàn khai thác khoáng sản bền vững Việt Nam- Australia 2015, tổ chức tại Hà Nội vừa qua, ông Nguyễn Văn Thuận- Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện nước ta có trên 5.000 điểm khoáng và mỏ, trong đó một số loại có trữ lượng lớn như: Dầu- khí (1,2-1,7 tỷ m3), than (240 tỷ tấn), titan (600 triệu tấn khoáng vật nặng)… Trong đó, có nhiều loại khoáng sản được khai thác phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản ở nước ta còn lạc hậu. Công nghệ khai thác khoáng sản Việt Nam hình thành từ cuối thế kỷ 19 do Pháp khởi xướng, từ năm 1945 Việt Nam đã tiếp quản và duy trì phát triển các cơ sở chế biến khai thác khoáng sản cho tới nay.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản lại không tập trung vào việc đầu tư công nghệ khai thác. Theo ông Nguyễn Văn Thuận- Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, chỉ có khoảng 0,01% tổng doanh thu của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản dành cho đầu tư đổi mới công nghệ.

“Thời gian qua kinh tế suy thoái, giá thành các loại khoáng sản giảm nên doanh nghiệp không quan tâm tới việc đầu tư công nghệ”, ông Thuận nói.

Trong những năm qua, công nghệ khai thác lạc hậu, dẫn tới việc khai thác, xuất khẩu khoáng sản thô không qua chế biến mới dừng lại ở sản phẩm tinh quặng, giá trị và hiệu quả sử dụng thấp, chưa tương xứng với giá trị của tài nguyên khoáng sản.

Nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực cả về tài chính, thiết bị, công nghệ lẫn kinh nghiệm nhưng vẫn được cấp mỏ. Việc khai thác và chế biến bằng công nghệ lạc hậu, dẫn tới doanh nghiệp chế biến thô sơ. Đây là cách làm không phù hợp với đặc điểm và thành phần khoáng vật của quặng nên mức độ thu hồi thấp và không thu hồi được khoáng vật có giá trị đi kèm.

Ngoài ra, các mỏ khoáng sản nước ta phân tán nhỏ lẻ cũng khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khi áp dụng các công nghệ tiên tiến vào khai thác. “Ví dụ công nghệ khai thác titan chỉ áp dụng được với mỏ 100.000 tấn, trong khi trữ lượng một mỏ ở Việt Nam chỉ 10.000 tấn nên doanh nghiệp không thể lãng phí đầu tư công nghệ quá lớn để khai thác ở những mỏ nhỏ. Ngoài ra, những mỏ nhỏ lẻ thường nằm ở khu vực miền núi, khi đưa công nghệ khai thác lên phải mở đường. Việc mở đường sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác, từ đó doanh nghiệp khó áp dụng các công nghệ tiến tiến vào khai thác ở những mỏ khoáng sản nhỏ lẻ”, ông Thuận chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thuận cho biết: Tại Việt Nam, trừ một số khoáng sản như dầu khí, than đá, đồng… có công nghệ khai thác, chế biến ở trình độ tương đối hiện đại và trung bình, còn lại phần lớn các khoáng sản khác được khai thác, chế biến bằng công nghệ thấp. Đặc biệt, công nghệ làm giàu và chế biến quặng, thu hồi các loại khoáng sản có ích đi kèm còn chậm được đầu tư. Tiến độ đầu tư các dự án chế biến sâu rất chậm, đặc biệt là quặng titan, đất hiếm, chì, do khó khăn về vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, thiếu sự liên kết hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp trong nước.

“Hoạt động khoáng sản Việt Nam còn manh mún nhỏ lẻ, tính liên kết giữa các doanh nghiệp chưa cao. Tiến độ đầu tư các dự án chế biến sâu rất chậm, không đạt tiến độ đề ra, đặc biệt đối với quặng titan, đất hiếm, chì do khó khăn về vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, thiếu sự liên kết hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp trong nước”, ông Thuận cho biết.

Hướng tới khai thác hiệu quả

Tại Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22-12-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt  Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đã yêu cầu khai khoáng phải gắn với chế biến, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Đến năm 2020 chấm dứt cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, hình thành các khu công nghiệp chế biến khoáng sản tập trung với công nghệ tiên tiến, có quy mô tương xứng với tiềm năng của từng loại.

Ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để thực hiện Chiến lược nêu trên, Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp thu khoa học hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến trong điều tra, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản sâu.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, việc lựa chọn công nghệ khai thác dựa vào ý thức của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc khoanh định các mỏ nhỏ làm mỏ lớn, kiểm soát cấp phép và khai thác của doanh nghiệp sẽ giảm được tình trạng lãng phí tài nguyên. Và để giảm tình trạng khai thác khoáng sản không hiệu quả trong Luật Khoáng sản 2010 (sửa đổi) đã quy định các doanh nghiệp muốn khai thác khoáng sản phải tham gia đấu giá cấp quyền khai thác. Ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Việc đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ chọn ra được những doanh nghiệp có đầy đủ năng lực tài chính, công nghệ khai thác, năng lực kỹ thuật… Khi phải bỏ ra một khoản tiền để đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ buộc doanh nghiệp phải khai thác có hiệu quả, tránh để lãng phí tài nguyên.