Diễn biến mới vụ “chặt cây”: Thanh tra Chính phủ vào cuộc

ThienNhien.Net – Tổng Thanh tra Chính phủ vừa đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo việc tiến hành thanh tra, kiểm tra, làm rõ chủ trương, trình tự, thủ tục, thẩm định dự án chặt hạ cây xanh và phải xử lý nghiêm những sai phạm của tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh vừa ký văn bản số 573/TTCP-C.I gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc chặt hạ cây xanh trên địa bàn thành phố.

Văn bản của Thanh tra Chính phủ cho biết, những ngày gần đây nhiều báo đài, mạng xã hội đăng tải thông tin về việc UBND TP Hà Nội triển khai dự án chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên một số tuyến phố thuộc địa bàn Hà Nội có nhiều vấn đề chưa minh bạch, rõ ràng, có dấu hiệu vi phạm khoản 2, điều 14 Luật Thủ đô và khoản 1, điều 14 Nghị định 64/2010 của Chính phủ quy định về quản lý cây xanh đô thị, gây bức xúc dư luận nhân dân.

“Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội sớm chỉ đạo việc tiến hành thanh tra, kiểm tra, làm rõ về chủ trương, trình tự, thủ tục lập, thẩm định phê duyệt dự án và xử lý nghiêm những sai phạm của tổ chức, cá nhân liên quan theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời có biện pháp ngăn chặn kịp thời việc đốn hạ cây xanh tương tự có thể xảy ra. Thực hiện nghiêm túc việc bảo vệ cây xanh trên địa bàn theo quy định Luật Thủ đô và quy định pháp luật khác có liên quan”, văn bản của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP Hà Nội báo cáo kết quả xử lý, gửi tới cơ quan này trước ngày 15/4.

 Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội đã có 500 cây xanh bị chặt hạ để trồng mới và thay thế
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội đã có 500 cây xanh bị chặt hạ để trồng mới và thay thế

Chặt cây xanh: Hà Nội vi phạm Luật Thủ đô?

Liên quan đến vấn đề này, phát biểu tại hội thảo “Từ đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội” được Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 23/3, Gs. Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho rằng, về mặt pháp lý, rõ ràng việc chặt cây đã vi phạm Điều 10 và Điều 14 Luật Thủ đô về việc không được chặt cây xanh; Vi phạm Nghị định 64/2010 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có trách nhiệm của người dân trước cửa nhà mình. Người dân có quyền bảo vệ, chăm sóc cây trước cửa nhà mình.

“Cây cũng như con người, bị bệnh thì phải cứu chữa, chứ không thể đem chôn ngay được. Tôi đi nhiều nước trên thế giới thấy họ cũng luôn tìm mọi cách để cứu cây, chứ không phải cứ thấy cây sâu bệnh là chặt hạ ngay”, GS Nguyễn Lân Dũng xót xa.

Theo ông, việc chặt hạ cây trong thời gian qua tạo ra sự bức xúc quá lớn, tới mức không thể hiểu được. “Việc Hà Nội định chặt 6.700 cây, chiếm 1/7 lượng cây xanh trên địa bàn thành phố mà không quan tâm các nhà hoa học, nhân dân là điều rất khó hiểu. Điều khiến tôi vô cùng đau xót là Hà Nội không biết rút kinh nghiệm. Đường Nguyễn Trãi sau khi chặt hàng cây tôi thấy xót xa quá. Quy hoạch đó vô lý quá, có nhất thiết phải chặt cây xanh không?”, ông đặt câu hỏi.

Còn TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) thì cho rằng, qua đề án 6.700 cây xanh và những phát biểu của lãnh đạo các đơn vị liên quan vừa qua cho thấy “họ chưa hiểu hết về chức năng của cây xanh đô thị, tác dụng và tác hại của nó”.

“Cây cối như một người bạn với con người, cùng sinh ra và lớn lên. Thế mà cùng được 40-50 tuổi rồi mà chặt hàng loạt cây xanh như thế… Cây cối còn như một chứng nhân lịch sử, qua thời gian biết được bao nhiêu chuyện, ghi được nhiều chuyện. Thế giới người ta chỉ cần lấy một mẫu khảo cổ thì đã có thể đọc vanh vách thời đó như thế nào rồi cơ mà”, TS Liêm phân tích.

Chưa hết, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phạm Sỹ Liêm còn rất băn khoăn về việc Hà Nội phê duyệt cho một loạt đơn vị không hề có liên quan, chuyên môn nào về trồng cây xanh như Công ty tư vấn xây dựng đầu tư Hà Thành, Công tyTNHH MTV Cơ điện công trình, Công ty CP Công nghệ thương mại Bình Minh.

“Tôi nghe nói một cây sấu như thế đã có giá tới 30 triệu đồng rồi, nhẩm tính sơ sơ số tiền họ đốn hạ mang bán thì cũng được rất nhiều tiền. Nhưng lại mua một cây mới trồng vào đấy, lại tốn bao nhiêu tiền nữa. Chặt cây cũ, trồng cây mới thì gọi là tài trợ, không lấy tiền nhà nước ư? Nghe chừng không ổn. Những cái này diễn ra, chúng ta không nên ngây thơ quá về sự vụng về, thiếu hiểu biết, hay kém kinh nghiệm. Đều có sự đo đếm hết, không phải tự nhiên mà như vậy đâu. Tôi mong rằng việc thanh tra mà Hà Nội đang triển khai đừng chỉ tìm ra những con kiến”, ông Liêm nêu quan điểm.