Loại bỏ xin cho, hết thời ăn xổi

ThienNhien.Net – Theo như dự kiến, vào quý II năm 2015 này, sẽ tổ chức phiên đầu tiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đây được coi là động thái tích cực nhằm siết chặt và công khai hơn về việc cấp quyền khai thác khoáng sản, tiến tới loại bỏ cơ chế xin cho và chấm dứt thời ăn xổi của hoạt động khai thác khoáng sản.

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ tạo điều kiện quản lý khoáng sản được tốt hơn!
Đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ tạo điều kiện quản lý khoáng sản được tốt hơn!

Nằm ở khu vực Đông Nam Á, với kiến tạo địa lý mang tính chất đặc thù nên Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có tiềm năng về khoáng sản. Qua khảo sát và điều tra ban đầu, bản đồ khoáng sản Việt Nam có đến 5.000 điểm mỏ, dải khắp Nam ra Bắc, từ đồng bằng đến miền núi. Theo thống kê, trong 5.000 điểm mỏ này, đã có 60 loại khoáng sản, trong đó có nhiều loại khoáng sản quý như vàng, khoáng hiếm, đá trơ…

Với chủ định phát huy hiệu quả của lòng đất, biến khoáng sản và tài nguyên trở thành nguồn thu và phục vụ cho quốc kế dân sinh, nhiều chương trình đánh thức tài nguyên, cấp phép và khai thác mỏ đã diễn ra. Bên cạnh những cái được, còn là những hậu quả đi cùng như ô nhiễm môi trường, biến dạng đất đai và nổi cộm nhất vẫn là việc thất thoát tiền ngân sách nhà nước. Ngoài nguyên nhân được coi là do quản lý kém thì nổi cộm nhất vẫn là cơ chế xin cho, chạy cửa đã dẫn đến việc đánh giá không đúng tiềm năng của mỏ, cấp phép vội vã và khoáng sản cứ kiệt quệ dần.

Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có trên 1.000 điểm khai thác, chế biến khoáng sản có đăng ký hợp pháp, bên cạnh hàng trăm nghìn cơ sở khai thác bất hợp pháp. Tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản tràn lan vốn là thực trạng, kéo dài. Đơn cử như vấn đề này tại Hà Giang, với lợi thế về 30 loại khoáng sản, tập trung tại 100 điểm mỏ, hiện nay, tỉnh này đã cấp giấy phép cho 27 điểm mỏ với 20 doanh nghiệp tập trung khai thác. Ngoài việc ô nhiễm môi trường thì việc nợ tiền lương, bảo hiểm, đặc biệt là nợ thuế đã xuất hiện tại nhiều doanh nghiệp và đem lại cho Hà Giang những bài toán đau đầu.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn (Giám đốc Ban quản lý các Dự án than Đồng bằng Sông Hồng thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam), đưa ra ý kiến: Tài nguyên khoáng sản là quà tặng duy nhất và chỉ có một lần cho mỗi quốc gia, dân tộc. Do vậy, để quản lý tốt, và để “thứ quà” này trở thành của cả dân tộc và của thế giới thì việc phân chia nó phải minh bạch. Việc khai thác lãng phí hay khai thác độc quyền là không thể chấp nhận được. Trên thực tế, việc “phân chia quà tặng” này đang tồn tại nhiều bất cập, nhiều lỗ hổng chính sách trong quản lý nguồn thu từ khai thác tài nguyên.

Để hạn chế những nhược điểm này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định về phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt 1 năm 2015. Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu như trước đây quyền khai thác khoáng sản thực hiện theo cơ chế “xin cho” thì bây giờ, sau khi đấu giá, các DN sẽ phải trả một khoản tiền lớn đồng thời vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác. Cùng với việc đấu giá, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lấy tiền giá sàn của đấu giá trong thời gian tới cũng sẽ loại nhiều DN, bởi khi phải trả tiền sẽ có nhiều DN làm ăn không hiệu quả phải tự rút.

Quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ cho phép DN tự bỏ vốn ra để thuê các Cty tư vấn, thăm dò lại dưới sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo tính khách quan, chính xác. Căn cứ trên cơ sở trữ lượng thăm dò lại, cơ quan có thẩm quyền sẽ phê duyệt lại và điều chỉnh lại tiền cấp quyền. Đây là hướng mở tạo điều kiện cho các DN, chứ không buộc các DN chịu trách nhiệm về kết quả thăm dò trước đó.

Theo đánh giá, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ công khai thông tin tài sản được đem đấu giá và năng lực của người tham gia đấu giá. Rất nhiều người đang hy vọng các bước đi này sẽ đem lại cho việc khai thác khoáng sản ngày một minh bạch hơn.