“Bịt tai” trước dư luận

ThienNhien.Net – Chặt cây xanh ở Hà Nội, lấn sông làm dự án ở Đồng Nai là 2 vụ việc “nóng”, được dư luận quan tâm suốt tuần qua. Tính chất tuy có khác nhau nhưng “đề án chặt cây” và “dự án lấn sông” có điểm chung: dư luận người dân và giới chuyên môn, nhà khoa học phản ứng gay gắt.

Hà Nội đã phải tạm dừng đề án chặt hạ cây xanh và thừa nhận có “nóng vội, đơn giản” trong thực hiện. Còn lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vẫn khăng khăng mình đúng và khẳng định tiếp tục để nhà đầu tư thực hiện dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai.

Trong thông cáo báo chí phát ra ngày 24-3, tỉnh Đồng Nai cho rằng trước khi thực hiện dự án, họ đã có những bước chuẩn bị chặt chẽ đúng quy trình thủ tục (khảo sát, đánh giá tác động môi trường…) và đưa ra kết luận: Dự án hoàn toàn không ảnh hưởng đến dòng chảy của sông; quy mô dự án 8,4 ha thuộc thẩm quyền của tỉnh nên không cần báo cáo Bộ Tài nguyên – Môi trường (?!). Ngược lại, các chuyên gia về thủy lợi, môi trường cũng như đại diện Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra phản biện cho rằng dự án lấn sông diện tích quá lớn sẽ thu hẹp dòng chảy, tác động đến hành lang tiêu thoát lũ. Nghiêm trọng hơn, việc triển khai dự án đã vi phạm Luật Đê điều và Luật Tài nguyên nước.

Đồng Nai có cái lý của họ nhưng cái lý đó chỉ đúng trong trường hợp nếu sông Đồng Nai là sông nội địa, nằm trọn trong địa bàn do địa phương quản lý. Còn ở đây, sông Đồng Nai chảy qua vùng đất liên quan đến 11 tỉnh, thành; là 1 trong 3 hệ thống sông lớn nhất Việt Nam (sau sông Mê Kông và sông Hồng) thì phải đặt trong tổng thể chung để xem xét trước khi có quyết định “xà xẻo” nó. Nếu tỉnh nào cũng làm dự án lấn sông thì không bao lâu, dòng sông sẽ bị nhiều “thòng lọng” siết chặt, làm sao thở, làm sao thoát lũ, môi trường sống sẽ ra sao. Và nếu ai cũng được quyền “bóp nghẹt” dòng sông thì cần gì Thủ tướng phải ra quyết định thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai để có tính liên vùng, có “nhạc trưởng” điều hành chung; cần gì mỗi năm ngân sách nhà nước phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để chỉnh trị, bảo vệ dòng sông…!

Một góc của dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” Ảnh: Xuân Hoàng
Một góc của dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” Ảnh: Xuân Hoàng

Sông Đồng Nai có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội khu vực nhiều tỉnh, thành nói riêng; vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kinh tế quốc gia nói chung. Đây cũng là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng chục triệu dân. Việc triển khai cả một khu đô thị lớn trên sông là mối nguy đối với môi trường sống của con người trong tương lai. Vì thế, việc dư luận băn khoăn, các chuyên gia phản ứng là điều dễ hiểu.

Mục đích tối thượng của nhà đầu tư khi bỏ tiền ra để thực hiện dự án là lợi nhuận. Vì thế, tỉnh Đồng Nai khó thuyết phục được dư luận khi cho rằng việc lấn sông làm dự án chỉ đơn thuần là nhằm cải tạo, bảo vệ bờ sông, nâng cao môi trường sống.

Khi còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận thì cần dừng lại để lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đúng đắn nhằm có cách làm phù hợp. Phớt lờ dư luận để chiều lòng nhà đầu tư, đặt lợi ích địa phương trên lợi ích chung thì hậu quả sau này sẽ khó cứu vãn.