Khô hạn và nguy cơ cháy rừng

ThienNhien.Net – Tình hình khô hạn đang diễn ra gay gắt tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Cùng đó nguy cơ cháy rừng rất cao. Nhận định của cơ quan chức năng, tình hình khô hạn sẽ còn khốc liệt hơn trong thời gian tới.

Ảnh: Hoàng Long
Ảnh: Hoàng Long

Ruộng đồng khô héo

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 9-2015 thiếu hụt khoảng 15-30% so với trung bình nhiều năm. Lượng nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào các hồ chứa thủy lợi, thủy điện… Nguy cơ cháy rừng là rất lớn tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Tính đến ngày 20-3, lượng nước ở các hồ ao, sông suối nhiều nơi ở miền Trung, Tây Nguyên đã cạn kiệt. Dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi của các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa đang ở mức rất thấp: Ninh Thuận đạt 14%, Khánh Hòa đạt 37% so với dung tích trữ thiết kế. Tỉnh Bình Thuận khá hơn một chút khi dung tích trữ hồ chứa khoảng 50-60%. Dòng chảy các sông từ Quảng Nam đến Ninh Thuận thiếu hụt từ 40-70%, một số nơi tới 70-80%. Nhiều khả năng ở hạ lưu các sông sẽ xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ.

Khu vực Tây Nguyên có lượng dòng chảy các sông trong tháng 1-4/2015 thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 30-40%. Tại Đắk Nông, mực nước hiện nay tại công trình hồ chứa lớn như Đắk Mâm đang xuống thấp hơn so với ngưỡng tràn là 3,2m; công trình hồ chứa Buôn Dơng (xã Quảng Phú) là 1,8m; công trình hồ chứa R’cập (xã Nâm Nung) là hơn 3,5m…Như vậy, mực nước còn lại tại các công trình này chỉ còn khoảng 1-1,5m là xuống mực nước chết.

23032015_nguycochayrung2

Hiện các địa phương khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đã hoàn thành gieo trồng vụ đông xuân, đang trong thời kỳ cấp nước tưới dưỡng cho cây trồng. Tình hình hạn hán, thiếu nước lan rộng đã và đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất. Người dân các địa phương này đang lo đến cháy ruột gan bởi lượng nước tại các hồ đập đang dần cạn kiệt mà trời thì nắng chang chang.

Điển hình cho sự khô hạn này phải kể tới Ninh Thuận. Mấy tháng nay hầu như trời không mưa, dòng chảy trên các sông, suối đã cạn kiệt. Hiện lượng nước trong 20 hồ được khảo sát chỉ đạt khoảng 13,7%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 52 triệu m3. Một số nơi trong tỉnh đã phải trông chờ vào nước xe bồn, xe cứu hỏa được phân phối với định mức khoảng 20 lít/hộ/ngày. Nắng nóng làm 38 ha lúa huyện Thuận Bắc, Ninh Hải chết cháy; 135 ha cây màu, 75 ha cây ăn quả bị giảm năng suất; hàng nghìn cừu, trâu, bò đang đứng trước nguy cơ không còn thức ăn cũng như nước uống. Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, vụ Đông Xuân này đã phải dừng gieo cấy khoảng 6.100 ha do thiếu nước tưới, trên 8.000 hộ với 34.000 nhân khẩu có khả năng thiếu đói giáp hạt.

23032015_nguycochayrung3

Nguy cơ cháy rừng

Bình Thuận đang là một trong những địa phương có nguy cơ cháy rừng ở cấp độ 5, cấp cực kỳ nguy hiểm với tổng diện tích rừng trên 351.000 ha, trong đó có trên 200.000 ha thuộc diện có nguy cơ cháy cao. Theo ông Huỳnh Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận: Đã nâng cấp dự báo cháy rừng của toàn tỉnh từ cấp 4 lên cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk cũng là một trong những địa phương có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Huyện có 37.000ha rừng, thì có tới 20.000ha rừng dễ cháy. Nguyên nhân được chỉ ra là do lá khô rụng đã tạo thành từng lớp thực bì dày trên đất, trong khi vẫn còn tình trạng đốt rừng làm nương rẫy, săn bắn, khai thác gỗ, đốt ong lấy mật… dễ xảy ra cháy.

23032015_nguycochayrung4

Còn tại Đồng Nai, trong 180 nghìn ha rừng thì hơn 72 nghìn ha tại huyện Vĩnh Cửu có nguy cơ xảy ra cháy lớn, bởi ngoài nắng nóng kéo dài, hiện ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai có hàng nghìn hộ dân sinh sống, sản xuất nông nghiệp xen kẽ trong rừng. Vì thế phải tiến hành tuần tra, chốt trực suốt ngày đêm.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương thì mùa mưa chưa xuất hiện. Như vậy, mùa khô ở khu vực Nam Trung Bộ sẽ kéo dài, đồng nghĩa với việc hạn hán ở các tỉnh khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên sẽ tiếp diễn và kéo dài. Để ứng phó, cùng với các địa phương, Tổng cục Thủy lợi đã đề nghị các tỉnh cần tăng cường nạo vét, khơi thông kênh, rạch, lắp đặt hệ thống bơm dã chiến, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Một số khu vực thuộc các tỉnh/thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận cần lập kế hoạch đề nghị cung cấp nước từ các hồ chứa thuộc các hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, Ba – Bàn Thạch, La Ngà – Lũy để phục vụ tưới cho vụ đông xuân và hè thu…

Thu dọn thực bì phòng chống cháy rừng. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Thu dọn thực bì phòng chống cháy rừng. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Tổng cục Thủy lợi cũng đã kiến nghị các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo về công tác phòng, chống hạn hán, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân và hè thu, mùa năm 2015 của Chính phủ. Triệt để thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước; tính toán cân đối lại nguồn nước, trong đó cần ưu tiên bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, đối với những khu vực khó bảo đảm nguồn nước cần chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi sang loại cây trồng khác có khả năng chịu hạn, tránh thiệt hại cho sản xuất.